Brian Rudolph và cuộc cách mạng mì sợi
(DNTO) - Brian Rudolph, nhà sáng chế thực phẩm kiêm cha đẻ thương hiệu Banza, đã tạo ra món mì sợi đóng gói giàu protein, tốt cho tim và được vinh danh là một trong 25 phát minh xuất sắc nhất do tạp chí Time bình chọn năm 2015
Mì sợi làm từ bột có lẽ là một trong những thực phẩm truyền thống lâu đời nhất trải dài từ Á sang Âu. Món mì người Hoa hay mì ống của Ý là những hình thức ẩm thực thân quen đối với mọi giới, từ bình dân đại chúng đến thượng lưu.
Khi một nam nhân bắt tay khởi nghiệp, thường thì họ rất dễ có khuynh hướng chọn làm ra một thứ gì to tát, độc đáo để có tiếng để đời. Riêng Brian Rudolph thì không. Anh chỉ khai thác những thứ thuộc về truyền thống nhưng lại làm khác đi bằng sáng tạo riêng của mình, nghĩa là thực hiện một cuộc cách mạng từ cái cũ, và anh đã thành công.
Brian chọn thử thách trong lĩnh vực ẩm thực ngay với món mì sợi bao đời nay. Anh đã bỏ công sức thời giờ hoàn hảo hóa công thức mới trong căn bếp gia đình ở Detroit để hoàn thiện sản phẩm, và giờ đây tung chúng lên kệ các cửa hàng ở hầu hết những chuỗi siêu thị phân phối lớn tại Âu Mỹ.
Tốt nghiệp đại học Emory, Hoa Kỳ năm 2012, Brian tham gia chương trình khởi nghiệp mang tên Venture for America dành cho các sinh viên mới ra trường, với mục tiêu hành động là tái sinh chất lượng dinh dưỡng cho thị dân các thành phố và cộng đồng Mỹ bằng các hình thức kinh doanh. Ở sân chơi này, Brian Rudolph chọn cho mình đích đến là đeo đuổi kỳ vọng tạo ra một loại mì sợi tốt cho sức khỏe cư dân hơn, với niềm cảm hứng mà món sốt hummus làm bằng đậu gà truyền thống của quê hương anh mang lại.
Sau hai năm bắt tay thử, làm, sửa sai hàng trăm lần, anh em nhà Brian-Scott bắt đầu chính thức giới thiệu Banza, loại mì sợi làm bằng hạt đậu gà đầu tiên, với thành phần dinh dưỡng gấp đôi protein, gấp 4 lần xơ và chỉ chứa một nửa low carb, so với mì sợi truyền thống làm bằng lúa mì. Sản phẩm bắt đầu tạo sức hút các dòng tiền tài trợ để sản xuất.
Sau chiến dịch ban đầu gọi vốn thành công được 27.000 USD ở RocketHub với mục đích xem dư luận hào hứng và quan tâm với ý tưởng mới tới mức độ nào, Banza nhận được tiếp 45.000 USD hỗ trợ từ chương trình trường đại học, rồi 75.000 USD đầu tư từ đầu bếp tài ba người Mỹ Joe Bastianich, giám khảo nổi tiếng của show truyền hình thực tế MasterChef.
Với những hỗ trợ dồi dào kể trên, Banza đã trình làng bốn dạng mì sợi khác nhau. Với xuất phát điểm chỉ bán ở 2 cửa hàng ban đầu, nó nhanh chóng ngự trị gần 2.000 cửa hàng toàn quốc, từ Shoprite đến các địa điểm ẩm thực phong cách Eataly của Ý tại New York, là những nơi thu hút giới sành ăn. Mặt hàng cách mạng này cũng giúp tạo ra hàng trăm công ăn việc làm cho cư dân Detroit, đúng với mục tiêu đề ra của Venture for America mà Brian từng tham gia.
Anh chia sẻ, "Thành phố rơi vào thời kỳ khó khăn. Chúng tôi rất tự hào khi đóng góp vào nền văn hóa sản xuất để kinh doanh từ đó có cơ hội hồi sinh". Sự đón nhận hồ hởi của mọi người đối với mì sợi Banza còn nói lên một điều “không gì thay thế được loại mì sợi truyền thống là một quan điểm hoàn toàn sai lầm”. Với cú đột phá ẩm thực này, năm 2015 Banza đã được tạp chí Time vinh danh là một trong 25 phát minh xuất sắc nhất.
Lý do dẫn đến thành công của Rudolph nằm ở một điểm mấu chốt. Giờ đây người tiêu dùng đã quan tâm đến sức khỏe nhiều hơn nên họ sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi chọn lựa các thành phần dinh dưỡng chứa trong từng thực phẩm. Mì sợi làm bằng bột lúa mì tuy xưa nay là món truyền thống lâu đời, nhưng chúng đang dần bị người tiêu dùng né tránh. Lý do là loại mì này vừa chứa lượng carbonhydrate cao vừa có nhiều gluten, hai thành phần thường gây dị ứng hay có hại cho sức khỏe, tùy cơ tạng người dùng.
Trong khi đó, mì sợi Banza làm từ đậu gà, không những khi ăn chẳng khác gì mì sợi truyền thống xét về hương vị, mà còn có thành phần vi lượng dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe hơn. Chứa nhiều protein hơn tức Banza tốt ngang bít-tết bò. Lượng xơ nhiều có trong sợi mì giúp hạ cholesterol xấu, giảm nguy cơ bệnh tim, kiểm soát đường trong máu, ngăn ngừa táo bón và điều tiết được cân nặng thể trọng.
Hiện tại sản phẩm Banza đã thâm nhập vào hơn 12.000 cửa hàng. Công ty của Brian cũng mở rộng dây chuyền sản xuất, bao gồm mac-and-phomai thuần chay, mì lasagna, mì gạo đậu xanh, và hiện đang có kế hoạch vượt ra ngoài không gian siêu thị để lấn sân sang ngành dịch vụ thực phẩm. Tất cả điều ấy đã lý giải vì sao ở năm 2020 vừa qua Brian Rudolph được vinh danh với cái tên Changemaker (Nhân vật tạo nên sự thay đổi).
Banza cùa Brian Rudolph ra đời như chuyển tải một tuyên ngôn, mì sợi nay đã có một tiêu chuẩn mới, một tiêu chuẩn không chỉ kích thích vị giác mà còn giúp thăng hoa cảm xúc ẩm thực từ trái tim. Thành công của anh em nhà Brian là đã biến giấc mơ họ có thành thứ thực phẩm cải thiện được cuộc sống con người. Cộng đồng người tiêu dùng cần và nay đã có một thay thế lành mạnh mà vẫn không được mất đi cái ngon vốn có của món ăn. Bởi, chúng cũng cứ là những sợi mì!