Cửa vào Big 4 sàn thương mại điện tử hẹp dần
(DNTO) - Sự thống trị của 4 ‘ông lớn’ Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và tay chơi mới nổi là TikTok Shop khiến các startup càng khó thâm nhập thị trường B2C với mô hình thương mại điện tử truyền thống.
Thương mại điện tử B2C (thương mại điện tử bán lẻ) năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với cùng kì và dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định, cạnh tranh trong giai đoạn tới (theo Sách trắng Thương mại Điện tử Việt Nam).
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, phần lớn thị phần thương mại điện tử bán lẻ về tay những người chơi lâu đời trong thương mại điện tử truyền thống. Năm 2022, Shopee là trang thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam với khoảng 84,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng. 70% trong “miếng bánh” thương mại điện tử bán lẻ thuộc về Shopee, trong khi Lazada chiếm 20%, Tiki chiếm 5% và Sendo là 1%.
Sự nhập cuộc gần đây của tay chơi mới là TikTok Shop rất có thể sẽ khiến "miếng bánh" này phải được chia lại. Nền tảng mạng xã hội đến từ Trung Quốc đã đạt mức doanh thu gần 1,7 tỷ đồng với 13 triệu sản phẩm được bán ra từ 32.000 nhà bán hàng chỉ trong tháng 11/2022. Con số này tương đương 80% doanh thu cùng kì của Lazada và gấp 4 lần doanh thu của Tiki.
Nhưng, với thị phần lớn của 4 “ông lớn” Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và thói quen mua sắm của khách hàng chiếm ưu thế trên các kênh này, các startup khác càng khó thâm nhập thị trường B2C với mô hình thương mại điện tử truyền thống. Vì vậy, nhắm vào các thị trường ngách là một chiến lược khôn ngoan giúp startup tránh phải đối đầu với những tay chơi lớn có tiềm lực tài chính hùng mạnh. Một trong những con đường mới là thương mại nhanh.
Rino, một công ty khởi nghiệp thương mại nhanh tập trung vào giao hàng tạp hóa, đã nhận được khoản tài trợ trị giá 3 triệu USD vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, sau gần một năm ra đời, startup này đã ngừng hoạt động. Điều này cho thấy ngay cả việc canh tác ở những mảnh đất mới của ngành thương mại điện tử cũng không dễ dàng. Và cũng cho thấy cơ sở hạ tầng, khung pháp lý của Việt Nam chưa hoàn thiện để hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới.
Sự “chết yểu” của Rino không chỉ hàm ý mô hình kinh doanh chưa phù hợp, mà đây còn là tín hiệu để Việt Nam đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải thiện các động lực tăng trưởng chính liên quan cho ngành thương mại điện tử.
Tuy vậy, sự ra đời của Rino cũng vẫn đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển năng động của lĩnh vực thương mại điện tử hiện đại và sự gia tăng của các phân khúc mới đầy triển vọng. Nên để thành công, những startup đó không còn cách nào khác là phải nội địa hóa để thích nghi với thị trường.
Thương mại điện tử vẫn được nhận định là có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, nhờ vào những động lực chính như nền kinh tế internet đang phát triển nhanh chóng, thói quen mua hàng kỹ thuật số mới và các chính sách tiến bộ của Chính phủ.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đạt 23 tỷ USD vào năm 2022 và dự báo đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, là thị trường phát triển nhanh nhất khu vực do thương mại điện tử đang bùng nổ. Việc này sẽ thúc đẩy quá trình số hóa, khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu quảng bá kinh doanh trực tuyến thay vì các sử dụng phương thức truyền thống.
Sở thích sử dụng các giao dịch kỹ thuật số của người tiêu dùng đã tăng lên do thời gian phong tỏa kéo dài khiến họ phải ở nhà trong nhiều tháng trong thời kỳ đại dịch. Hơn nữa, thói quen mới mua nhiều loại sản phẩm hơn trên nhiều kênh kỹ thuật số hơn là động lực tăng trưởng chính cho thương mại điện tử Việt Nam. Khi khách hàng đã quen với việc mua sắm trực tuyến hơn, họ có thể sẽ mở rộng mua hàng kỹ thuật số ngoài quần áo và đồ điện tử tiêu dùng giá trị thấp. Theo ghi nhận của McKinsey, thực phẩm và đồ uống, sản phẩm làm đẹp, đồ gia dụng và sinh hoạt dự kiến sẽ có mức tăng trưởng mạnh nhất.
Đặc biệt, Chính phủ tung ra kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia cho Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử rộng rãi trong doanh nghiệp và người tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và địa phương, xây dựng thị trường bền vững và tăng cường giao dịch trực tuyến xuyên biên giới.
Ngoài ra, Chính phủ tích cực thúc đẩy xã hội thanh toán không dùng tiền mặt với mục tiêu nâng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 50% vào năm 2025. Điều này tạo ra động lực giúp thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục đạt thành tựu trong những năm tới và tạo ra nhiều cơ hội tốt hơn cho những người chơi trên thị trường.