TikTok nhắm đến thị trường tiềm tàng ở Đông Nam Á - Bài 2: Chiến trường khốc liệt
(DNTO) - Tiềm năng của thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn rất lớn, nhưng kèm theo đó là áp lực cạnh tranh khốc liệt.
Bài 1: Tìm kiếm 'chân trời mới'
Mặc dù TikTok muốn biến thị trường Đông Nam Á thành "chìa khóa" thành công của họ trước thềm I.P.O, nhưng không có nghĩa là thị trường này "sóng êm, gió lặng". TikTok vẫn sẽ phải hứng chịu áp lực kiểm soát của các quốc gia nơi đây, cộng với sự cạnh tranh từ các đối thủ khu vực, đặc biệt là trong ngành thương mại điện tử.
Vẫn đầy triển vọng
Jianggan Li, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Momentum Works nói: “Mối đe dọa từ kiểm duyệt không chỉ có ở châu Âu và Mỹ. Đó là lý do tại sao TikTok ngày càng nhấn mạnh lợi ích của họ cho các doanh nghiệp nhỏ địa phương để cải thiện hình ảnh của mình”.
TikTok muốn “truyền cảm hứng sáng tạo và mang lại niềm vui”, CEO Shou hùng hồn tại sự kiện ở Jakarta, đưa ra ví dụ của nhiều influencer khắp trong vùng đã có thể gầy dựng công ty và tăng thu nhập. Ông trích dẫn lời của một influencer thời trang người Indonesia với tên gọi @Octaviana_tas_grosir, đã có thể tận dụng 3 triệu người theo dõi, thu hút khách hàng và “mở thêm 3 nhà kho chứa hàng, tạo ra hàng tá việc làm cho cộng đồng”.
Một giám đốc điều hành giấu tên của TikTok cho biết sức tăng trưởng của dịch vụ này vẫn rất mạnh ở thị trường châu Á, thậm chí còn cho rằng họ có thể vượt mức doanh thu 15 tỷ đô la. Làn sóng tăng trưởng của nền tảng này trong vòng 12 tháng qua ở Indonesia đang tiếp tục lan rộng ra các nước Thái Lan, Việt Nam và Phillipines, với đà tăng tốc “có thể gây ngạc nhiên”.
Có một thử thách mà TikTok đang phải đối mặt: Kinh doanh những mặt hàng lớn. Hiện tại, nền tảng thương mại điện tử của hãng này chủ yếu tập trung vào các mặt hàng nhỏ, giá trị thấp như hàng mỹ phẩm và thời trang, nhưng gặp khó khăn với các mặt hàng gia dụng, điện máy - theo lời của một giám đốc điều hành từ một hãng cạnh tranh.
Nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop dựa dẫm quá nhiều vào các dịch vụ vận chuyển bên thứ ba. Indonesia là quốc gia “vạn đảo” với nhiều trung tâm dân cư, ngôi làng rải rác khắp nơi, khiến tầm phục vụ của TikTok Shop bị thua thiệt so với các đối thủ có hệ thống phân phối tốt hơn - theo đánh giá của Roshan Raj, người đứng đầu hãng cố vấn Redseer.
Một chiến trường khốc liệt
Điểm yếu này sẽ là một mục tiêu gây sức ép từ các đối thủ của TikTok. Shopee thuộc hãng Sea, vốn có hậu thuẫn từ Tencent và Lazada, thuộc Alibaba, đang là hai đối thủ nặng ký nhất tại thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á. Cả hai công ty này đều gặp phải mức tăng trưởng chững lại trong vòng 18 tháng qua, và phải tập trung vào giảm thiểu chi phí, chú trọng cải thiện tổng doanh thu hàng hóa (gross merchandise sales - GMV).
Tình hình này gợi nhớ đến hồi 2017, khi tại Trung Quốc mọi người cứ tưởng rằng Alibaba đã có thể thống trị thị trường thương mại điện tử. Viễn cảnh tương tự đang diễn ra tại Đông Nam Á, và ByteDance hiểu rõ điều đó.
Jianggan Li, công ty nghiên cứu Momentum Works
Lazada đã nhận được hỗ trợ tài chính từ Alibaba trong năm nay, và chuẩn bị một chiến dịch cải tổ mới dưới sự dẫn dắt của Jiang Fan, người đã có công gầy dựng Taobao và Tmall. Trong khi đó, Shopee đã được dự đoán sẽ quay lại đà tăng trưởng sau khi công bố doanh thu hai quý vừa qua đều mang lại lợi nhuận.
Đó là chưa kể các đối thủ mới đang chực chờ nhảy vào thị trường đầy tiềm năng của Đông Nam Á. Temu, nền tảng “chị em” của Tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Pinduoduo, đang chờ đợi cơ hội mở rộng thị phần sau khi đạt thành công tại thị trường Mỹ và ra mắt tại châu Âu.
“Tình hình này gợi nhớ đến hồi 2017, khi tại Trung Quốc mọi người cứ tưởng rằng Alibaba đã có thể thống trị thị trường thương mại điện tử. Viễn cảnh tương tự đang diễn ra tại Đông Nam Á, và ByteDance hiểu rõ điều đó” - Jianggan Li, Giám đốc điều hành của công ty nghiên cứu Momentum Works nhấn mạnh.