Bán hàng online không ‘cướp miếng ăn’ của tiểu thương truyền thống
(DNTO) - Có những mặt hàng có thể lên bán online nhưng có những mặt hàng buộc phải đặt ở cửa hàng để khách trải nghiệm thực tế. Một doanh nghiệp, nhà bán hàng thức thời phải có đa kênh chứ không nên phụ thuộc vào một kênh bán hàng.
Hình ảnh ế ẩm, đìu hiu của chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), nơi từng được coi là “thủ phủ” bán buôn vải vóc, quần áo lớn nhất miền Bắc trái ngược hẳn với “chợ mạng”, nơi các tiểu thương đang giao dịch, chốt đơn ầm ầm. Nhiều ý kiến cho rằng thương mại điện tử phát triển đang “cướp miếng ăn” của thương mại truyền thống.
Thậm chí ở Trung Quốc, hồi tháng 3, chợ đầu mối quần áo lớn nhất nước này là Sijiqing (Hàng Châu) buộc phải cấm livestream bán hàng. Nguyên nhân là những người bán hàng livestream thường hạ giá tối đa cho sản phẩm để thu hút khách hàng, nhưng điều này lại mâu thuẫn với lợi ích của người bán buôn.
Làn sóng cấm livestream bán hàng vẫn tiếp tục lan rộng ở đất nước từng được coi là thủ phủ của ngành công nghiệp livestream. Nhưng các chuyên gia, giới phân tích vẫn đang theo dõi xem liệu lệnh cấm này có giúp vực dậy thương mại truyền thống.
Ở thị trường Việt Nam, thương mại điện tử tăng trưởng trên 20%/năm, cao hơn mức tăng trưởng chung của ngành bán lẻ năm 2022 là 10,15%. Những ý kiến lo ngại cạnh tranh về hai hình thức thương mại này vẫn tồn tại.
Nhưng theo quan điểm của ông Trần Văn Trọng, Tổng Thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), khi thương mại điện tử phát triển nhanh cũng sẽ kéo theo sự phát triển của thương mại điện tử truyền thống. Vì vậy 2 mảng thương mại này sẽ không có sự cạnh tranh mà đồng hành và phát triển.
Bởi xu hướng trong kinh doanh hiện đại là đa kênh. Theo nghiên cứu từ Nielsen, 85% người tiêu dùng sử dụng nhiều kênh để mua hàng. Đó là lý do các doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng bài bản vẫn phải có store để trải nghiệm, có nơi để quảng bá, truyền thông, có địa điểm để khách hàng biết đến và tin tưởng đây là doanh nghiệp uy tín để khi khách hàng gặp vấn đề về sản phẩm, dịch vụ, họ có thể tìm đến để khiếu nại trực tiếp.
Những nền kinh tế lớn như Mỹ, họ vẫn còn những store (cửa hàng) bởi có những sản phẩm đặc thù là người tiêu dùng buộc phải trải nghiệm. Ví dụ muốn mua một cái ô tô là người ta phải lái thử... Kể cả Ngày mua sắm trực tuyến ở Việt Nam vẫn phải có những nơi để người dùng “nhìn tận mắt, sờ tận tay” sản phẩm.
Nhưng các doanh nghiệp buộc phải có các kênh online như website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử... Một doanh nghiệp muốn phát triển trong thị trường hiện nay buộc phải phát triển rất nhiều kênh, quan trọng nhất các kênh phải tối ưu.
“Thương mại điện tử bị coi là cạnh tranh với thương mại truyền thống chỉ khi doanh nghiệp đã quen làm offline và họ không chịu thay đổi lên online thì chắc chắc họ sẽ bị đào thải”, ông Trọng nói trong họp báo Online Friday 2023 hôm 16/11.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lâm Thanh, Đại diện TikTok Việt Nam cho biết thương mại điện tử chỉ là kênh nằm trong hệ thống bán lẻ của các nhà sản xuất. Vì với thương mại điện tử, nhà sản xuất bán 1, 2 đến 10 đơn hàng tới tay một người tiêu dùng đó vẫn là bán lẻ.
Với các sản phẩm đặc thù như OCOP hay dược liệu, ông Thanh cho biết vẫn khó khăn khi lên sàn thương mại điện tử, do nguồn gốc xuất xứ, cách thức đóng gói chưa chuẩn chỉnh. Đặc biệt các sản phẩm dược phẩm được Bộ Y tế và các cơ quan chức năng kiểm soát rất chặt chẽ nên không phải hàng hoá nào cũng được bán trong các loại hình thương mại điện tử.
“Nếu nhà cung cấp không đóng gói chuẩn thì chắc chắn không đưa được lên sàn”, ông Thanh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy các tiểu thương cũng có những khó khăn nhất định, đòi hỏi quản lý nhà nước và nền tảng có nghiên cứu chuyên sâu nhằm hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử vào lực lượng thương mại truyền thống hiệu quả.
Vì vậy mới đây, TP.HCM đã giao quyết định xuống cho Viện Nghiên cứu phát triển thành phố để phối hợp với TikTok xây dựng chương trình hỗ trợ các tiểu thương chợ truyền thống nâng cao kĩ năng số, ứng dụng thương mại điện tử để tăng sức mua. Rất nhiều địa phương, cơ quan quản lý cũng đang có động thái tương tự.
“Những câu chuyện này chứng tỏ không phải quản lý nhà nước không quan tâm, không phải nhà cung cấp thương mại điện tử không quan tâm mà chúng tôi đang từng bước để hỗ trợ nhà sản xuất, buôn bán truyền thống lên thương mại điện tử”, đại diện TikTok nói.