Một doanh nghiệp bán sỉ đơn hàng triệu USD qua online dù 10 năm chưa gặp mặt đối tác
(DNTO) - Dù không gặp mặt trực tiếp nhưng doanh nghiệp này vẫn tạo được niềm tin cho đối tác mua hàng thông qua việc chứng minh tốt năng lực của mình.
Vừa đưa hàng lên sàn đã có người mua
Bắt đầu hoạt động từ tháng 6/2015, đến tháng 9/2015, Indochina bắt đầu đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ (thương hiệu Viettime Craft) lên sàn thương mại điện tử Alibaba sau khi tìm hiểu rất nhiều các mô hình kinh doanh.
Ngay lập tức, Indochina có đơn hàng đầu tiên và chỉ sau 2 tháng, sản phẩm liên tục cháy hàng. Hiện công ty đạt giá trị giao dịch 5 triệu USD trước khi năm tài chính 2022 kết thúc, thành công chinh phục thị trường như châu Âu, châu Mỹ.
Chia sẻ tại tọa đàm “Thúc đẩy xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử” chiều 19/10, bà Hoàng Thị Thanh Tâm, Giám đốc Công ty CP đầu tư và phát triển sáng tạo Đông Dương (Indochina), cho biết thương mại điện tử là con đường ngắn nhất giúp sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận với người tiêu dùng toàn cầu ngay lập tức.
Là đơn vị chuyên bán buôn, giao dịch thông qua thương mại điện tử, nơi không thể gặp mặt trực tiếp để đánh giá đối tác, nên đại diện Indochina cho rằng việc xây dựng niềm tin với khách hàng B2B là rất quan trọng vì đây là yếu tố để họ quyết định mua hàng hay không. Do đó, doanh nghiệp phải nỗ lực chứng minh năng lực để khách hàng hợp tác lâu dài.
Trước đây, khi gặp gỡ khách hàng trực tiếp hay tham gia các hội chợ, triển lãm nước ngoài, Indochina phải mang sản phẩm đến tận nơi để giới thiệu tới khách hàng. Hiện nay, công ty chỉ cần đội ngũ làm việc tại văn phòng, một phòng nghiên cứu sản phẩm thiết kế, bộ phận chụp ảnh và làm nội dung để đăng tải thông tin sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử.
Thông qua hình ảnh, giấy tờ, chứng nhận nhà máy, Indochina chứng minh cho khách hàng việc họ đủ năng lực sản xuất. Về kinh doanh dịch vụ, công ty cũng phải tiến hành liên tục các buổi đào tạo về kĩ năng, ngôn ngữ cho đội ngũ kinh doanh. Về thương hiệu doanh nghiệp cũng phải xây dựng đồng bộ trên mọi nền tảng để khách hàng có thể dễ dàng tìm thấy bằng mọi công cụ.
“Khi không tiếp xúc trực tiếp thì chúng tôi phải làm sao thông qua hình ảnh, thông tin, giúp khách hàng hiểu được sản phẩm. Có những khách hàng đã hợp tác với chúng tôi 10 năm nay dù hai bên chưa hề biết mặt nhau nhưng chúng tôi vẫn xuất hàng đều đều, hàng năm, hàng tháng. Khi tham gia sàn thương mại điện tử như Alibaba, chúng tôi được tổ chức giám định độc lập hàng đầu thế giới (SGC) giám định về công ty, nhà máy, đội ngũ chăm sóc khách hàng… Khách hàng có thể tìm thấy những báo cáo về công ty rất minh bạch trên sàn, vì vậy, họ rất yên tâm khi hợp tác với chúng tôi”, đại diện Indochina chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Tâm cũng cho biết những rủi ro về thanh toán và bảo mật thông tin luôn thường trực khi bán hàng qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Điều này buộc doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ và quy trình để đảm bảo an toàn thông tin khi thanh toán, giao dịch. Về logistics, đây là bài toán chung của các doanh nghiệp. Cách xử lý của Indochina là nghiên cứu tạo ra các sản phẩm tối ưu vận chuyển để chi phí giá thành hợp lý nhất.
“Cầm tay chỉ việc” cho nhà bán hàng
Thời gian qua, Bộ Công thương liên tục “bắt tay” với các sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới và Việt Nam, như Alibaba, Amazon, Postmart, Voso… và mới đây là TikTok, để hỗ trợ đưa sản phẩm Việt Nam lên nền tảng này. Nhiều nhà bán hàng địa phương đã có thể bán sản phẩm của mình thông qua sàn thương mại điện tử chỉ sau 1 vài buổi tập huấn.
“Tháng 8 vừa rồi khi triển khai khoá đào tạo tại tỉnh Tiền Giang, đào tạo cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp liên quan kinh doanh trên nền tảng số, tập trung vào kĩ năng livestream bán hàng. Trong buổi tập huấn hôm đó, có một chị chủ doanh nghiệp bán sản phẩm mật ong livestream ngay tại lớp. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, chị bán được 7,1 triệu đồng tiền mật ong”, ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương
Vị này nhận định, đối với những doanh nghiệp lớn đã có kinh nghiệm lâu năm về thương mại điện tử, con số hơn 7 triệu đồng không phải doanh thu lớn, nhưng nó thể hiện tính hiệu quả của các hoạt động đào tạo đang triển khai. Vì vậy, thời gian tới, Cục Xúc tiến Thương mại tiếp tục tìm kiếm nhiều sàn thương mại điện tử quy mô lớn, phù hợp với đa dạng loại hình, mặt hàng thế mạnh của Việt Nam để hỗ trợ đưa doanh nghiệp lên sàn.
Bà Nguyễn Thị Phương Uyên, Giám đốc Maketing Công ty TNHH Alibaba.com Việt Nam, cho biết các sản phẩm doanh nghiệp Việt Nam hiện có giá cả khá cạnh tranh, bắt đầu học hỏi xu hướng mới trong thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về chất lượng, khi kinh doanh xuất khẩu đến nhà mua hàng quốc tế, các doanh nghiệp đã tập trung vào cải thiện sản phẩm dẫn tới chất lượng hàng hoá Việt Nam cũng không kém cạnh cho các nhà cung cấp quốc tế đã tồn tại trên sàn thương mại điện tử 23 năm qua.
Ngoài ra, các hiệp định thương mại mà Việt Nam kí được các FTA với hầu hết các thị trường lớn như EU, Anh… dẫn đến hàng hoá có lợi thế thuế suất thấp, thậm chí một số mặt hàng có thuế bằng 0, tạo lợi thế cạnh tranh vượt trội so với doanh nghiệp ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.
Tuy vậy, theo vị này, khó khăn khi nhà bán hàng Việt Nam giao dịch thương mại xuyên biên giới vẫn là ngôn ngữ. Mặc dù hiện nay đã cải thiện nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về giao tiếp bằng tiếng Anh. Trên Alibaba.com đã hỗ trợ 18 ngôn ngữ, tuy nhiên với những giao tiếp ngoài nền tảng thì doanh nghiệp cho biết vẫn còn gặp rất nhiều trở ngại khi thương thuyết với khách hàng.
Doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiếu kĩ năng marketing, sử dụng công cụ tiếp thị trên sàn, dẫn đến chưa tận dụng tối đa công cụ kĩ thuật số mà sàn cung cấp để tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế về logistics, khiến sản phẩm đôi khi không đảm bảo về thời gian, tiến độ giao hàng, ảnh hưởng đến giao dịch.
“Đó là lý do chúng tôi phải thường xuyên khám sức khoẻ 1-1 cho các gian hàng để doanh nghiệp vượt qua hạn chế, phát huy lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu”, đại diện Alibaba cho biết.