Kiếm triệu USD từ xuất khẩu online: Gian hàng phải được xác thực, luôn sáng đèn 24/24
(DNTO) - Không cần là một doanh nghiệp, tập đoàn lớn, một nhà bán hàng địa phương, một startup cũng có thể xuất khẩu qua thương mại điện tử, chỉ với một gian hàng chuẩn.
Từ các thương hiệu nổi tiếng gốm sứ Minh Long, đồ gia dụng Sunhouse… cho đến các nhà sản xuất truyền thống như hạt điều Lafooco, rong nho Trường Thọ, thiệp 3D thủ công HMG… hay kể cả các startup như đồ chơi trẻ em Chippi&Co… đều ghi nhận doanh số bán hàng tăng hàng chục lần khi xuất khẩu online, có doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tăng hàng triệu USD.
Sự xâm nhập của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba vào Việt Nam những năm gần đây đã giúp hàng trăm nghìn nhà bán hàng, doanh nghiệp nội địa có thể đưa hàng ra toàn cầu chỉ thông qua các gian hàng online.
Năm ngoái, Việt Nam thu về 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng) từ xuất khẩu B2C qua thương mại điện tử, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Con số này dự báo có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%, theo Access Partnership. Thậm chí, theo chuyên gia, nếu doanh nghiệp Việt Nam tiến nhanh hơn, doanh thu có thể đạt 13 tỷ USD (296,3 nghìn tỷ đồng) vào năm 2027.
Một báo cáo của Amazon cũng ước tính tốc độ tăng trưởng doanh thu thương mại điện tử B2C của Việt Nam đạt hơn 20% mỗi năm và dự kiến đây sẽ là ngành xuất khẩu thế mạnh đứng thứ 5 Việt Nam trong 5 năm tới. Xu hướng và lợi ích của xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới không còn phải bàn cãi. Điều quan trọng, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, yếu về tiềm lực, làm thế nào để bước vào sàn online toàn cầu.
Sàn có tính năng gì phải tận dụng bằng hết
Ông Trần Đình Toản, Ủy viên Ban thường trực Hiệp hội Thương mại điện tử, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB, cho biết để tham gia vào các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần có sản phẩm chất lượng với giá thành cạnh tranh. Mỗi nền tảng có những mảng sản phẩm đặc thù, nên sản phẩm không đưa lên đúng sàn cũng không thể thành công.
“Trong thực tế đi tiếp xúc với rất nhiều doanh nghiệp, có doanh nghiệp dù hoạt động rất tích cực nhưng sản phẩm khó cạnh tranh, nên dù chúng tôi dẫn khách hàng trực tiếp đến gặp khó nhưng vẫn khó kí hợp đồng, chưa nói gì đến tham gia nền tảng thương mại điện tử”, ông Toản nói.
Tham gia sân chơi thương mại điện tử, các doanh nghiệp phải xây dựng gian hàng uy tín. Bởi theo ông Toản, rất nhiều doanh nghiệp có thương hiệu tốt trên thị trường nhưng lại không để ý đến môi trường trực tuyến. Hiện nay, những gian hàng không được xác minh, xác thực rất khó để người mua hàng có thể dừng chân được.
“Có rất nhiều doanh nghiệp lớn nhưng khi nhìn trên môi trường trực tuyến, khách hàng không nhận ra đó là doanh nghiệp lớn và ngược lại. Đó là điều khiến rất nhiều doanh nghiệp mất cơ hội. Bởi cạnh tranh trên môi trường ảo rất khốc liệt, người mua chỉ có vài giây để quyết định có đặt hàng hay không, nếu không hấp dẫn họ sẽ chuyển sang gian hàng khác”, ông Toản nói.
Cũng theo vị này, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư chi phí xây dựng gian hàng nhưng lại không đầu tư cho nhân sự làm việc đó. Có những sàn yêu cầu người quản lý tài khoản phải có kiến thức tốt để xây dựng gian hàng và triển khai có hiệu quả ở đó. Các gian hàng phải hoạt động tích cực vì các đối thủ như Trung Quốc hay một vài nước khác cũng đang hoạt động sôi nổi để tìm kiếm đối tác.
“Môi trường ảo thuận tiện ở chỗ doanh nghiệp có thể làm việc 24g, nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt chỉ làm việc 8g. Buổi tối của chúng ta là buổi sáng của Mỹ và châu Âu, khi doanh nghiệp đối tác muốn chat trực tiếp trên các công cụ đó, những gian hàng nào không sáng đèn thì họ bỏ qua. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp hiện nay phải cắt cử nhân sự làm việc cả đêm để hỗ trợ cho các gian hàng tiếp cận với người mua hàng” ông Toản cho hay.
Trong thời đại bán hàng đa kênh, đối tác nhìn thấy bạn trên sàn thương mại điện tử, nhưng sẽ không tiếp cận ngay mà họ phải đánh giá trên nhiều kênh khác như website, email hay gọi điện trực tiếp… Vì vậy, doanh nghiệp phải chuẩn hóa và số hóa các điểm chạm với người mua hàng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu và tận dụng tối đa các tính năng của các nền tảng thương mại điện tử. Bởi theo ông Toản, các nền tảng này không chỉ phục vụ việc giao thương, buôn bán, mà gần như nó có thể thay thế mọi thứ. Ví dụ các hoạt động hội chợ ảo, kết nối giao thương cũng đã diễn ra. Hay nhiều sàn đã ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), VR (thực tế ảo), giúp cho việc kết nối không chỉ còn là một chiều mà là đa chiều. Việc này giúp ranh giới giữa người mua và người bán mờ dần. Người mua có thể mời người bán đến nhà xưởng thăm quan như thực tế.
Thiếu hiểu biết sẽ phải trả giá lớn
Đại diện VECOM cũng cho biết, bản chất các hoạt động thương mại điện tử suy cho cùng vẫn là hoạt động thương mại, các doanh nghiệp vẫn phải đối diện với những rủi ro về hợp đồng, vì vậy luôn phải có các đơn vị tư vấn, đặc biệt là luật sư để hỗ trợ họ xây dựng điều khoản hợp đồng ngay từ ban đầu.
Về giao vận, khi vận chuyển hàng hóa liên quan đến vấn đề bảo quản, rà soát đặc thù sản phẩm để hàng hóa giao đến khách hàng an toàn, chất lượng. Doanh nghiệp nên lựa chọn các nhà cung cấp uy tín và chú ý đến các điều khoản trong giao vận.
Về thanh toán, dù doanh nghiệp được khuyến nghị nên sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, nhưng vẫn có những vụ lừa đảo trong thời gian gần đây. Hiện có nhiều phương thức thanh toán mới rất hay, đảm bảo cho người bán và người mua trong giao dịch mà rất nhiều nền tảng giao dịch thương mại điện tử đang sử dụng, doanh nghiệp nên nghiên cứu.
“Các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cũng đưa ra những phương án thanh toán mới như sử dụng dịch vụ bên thứ 3 để hỗ trợ thanh toán. Việc này không chỉ đảm bảo thanh toán an toàn, mà còn giúp xác minh năng lực của nhà nhập khẩu bên kia. Bản thân VECOM cũng đang nghiên cứu những phương thức thanh toán mới có thể tư vấn cho doanh nghiệp”, ông Toản nói.
Các vấn đề khác mà doanh nghiệp có thể đối mặt như mất tài khoản, lộ bí mật thông tin, hacker tấn công tài khoản…Doanh nghiệp nên lựa chọn các nền tảng thương mại điện tử uy tín. Bên cạnh đó, các sàn lớn thường có hệ thống bảo mật đa lớp, doanh nghiệp nên lưu ý sử dụng.
“Doanh nghiệp cần đặc biệt thận trọng khi truy cập vào các đường link spam. Thậm chí gần đây có trường hợp cho mượn, chia sẻ tài khoản… có thể do thiếu tài chính, thiếu hiểu biết, mà nhiều doanh nghiệp đã phải trả giá rất lớn”, ông Toản nhấn mạnh.