Người dân đưa hàng lên sàn thương mại điện tử và… đi chơi, nhân viên sàn phải gọi điện cháy máy
(DNTO) - Dù được cầm tay chỉ việc để bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhưng đại đa số người dân vẫn chưa quen.
‘Em ơi, chị bận lắm, hai ngày nữa nhé’
Postmart thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là đơn vị tiên phong trong việc đưa người nông dân, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử. Tính đến hết tháng 6 năm ngoái, Postmart.vn đã thu hút hơn 600.000 nhà cung cấp mở gian hàng, hơn 50.000 sản phẩm được giao dịch trên nền tảng.
Dẫu vậy, đại diện của sàn cũng cho biết trong 2 năm nay, những việc của Postmart làm cũng chỉ đủ để người nông dân hiểu thương mại điện tử, công nghệ thông tin là gì, có giải pháp gì giúp họ bán hàng ngoài phương thức truyền thống.
Bởi theo bà Hoàng Thị Huyền, Đại diện Sàn Postmart, muốn bán sản phẩm trực tuyến, bắt buộc người bán phải dùng smartphone và app. Nhưng đối với bà con nông dân, việc này rất khó, thậm chí họ phải nhờ người thân để hỗ trợ tạo gian hàng trực tuyến. Khâu khó khăn nhất với Postmart là vận hành.
Nguyên nhân là người bán hàng phải tham gia cùng đội ngũ của sàn, từ khâu xác nhận đơn hàng cho đến chuẩn bị sản phẩm. Nhưng chỉ trong khâu đơn giản như vậy cũng phát sinh những tình huống “dở khóc, dở cười”. Điều này được đại diện Postmart chia sẻ trong tọa đàm “Thương mại điện tử: Kênh tiêu thụ sản phẩm hiệu quả cho thị trường miền núi", chiều 19/9.
“Bà con nông dân không có thói quen vận hành sản phẩm hàng ngày như một doanh nghiệp hay các shop online ở thành phố. Người ta đưa sản phẩm lên, để đó và đi chơi hoặc làm việc khác. Khi có đơn hàng đến, đội ngũ Postmart phải gọi điện tận nơi để báo họ xác nhận và chuẩn bị hàng. Nhưng câu trả lời là ‘Em ơi, chị bận lắm, hai ngày nữa nhé’… Chúng ta đã rất khó khăn để mời người dùng lên mua sản phẩm, thì chúng ta phải đáp ứng ngay cho họ thời gian vận chuyển (2-3 ngày giao hàng)”, bà Huyền chia sẻ.
Việc đưa sản phẩm vùng miền tiêu thụ trên các kênh trực tuyến vẫn là bài toán khó. Tại Bắc Giang, vụ vải thiều vừa qua, đã có 40 KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) thực hiện 26 phiên livestream trên nền tảng TikTok trong 4 tiếng đồng hồ. Kết quả đã thu hút 1,7 triệu lượt xem, doanh thu 1,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Bắc Giang cũng thừa nhận vải thiều là sản phẩm hiếm hoi của Bắc Giang đạt được thành công như vậy. Bởi đây là tỉnh miền núi, nhận thức của doanh nghiệp, người dân về ứng dụng thương mại điện tử còn hạn chế. Vì vậy, tiêu thụ sản phẩm chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thương lái.
“Bà con thiếu thiết bị livestream, chưa kể mạng viễn thông internet chưa phủ sóng hết đến vùng sâu, vùng xa. Nhân lực của các hợp tác xã, hộ nông dân chủ yếu là người nông dân, trình độ công nghệ như kĩ năng kinh doanh trực tuyến như quản trị gian hàng, website, xây dựng hình ảnh quảng bá làm sao thu hút khách hàng… hạn chế. Họ cũng không biết kĩ năng đóng gói, tương tác làm sao để chốt đơn nhanh nhất”, bà Hiệp nói.
Loanh quanh ‘con gà - quả trứng’ nếu không đổi nhận thức
Để sản phẩm tiêu thụ tốt, buộc phải có thương hiệu. Câu chuyện xây dựng và bảo vệ thương hiệu được nói đến ngay từ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, ở ngay trong thương mại truyền thống chứ không chỉ thương mại điện tử.
Chuyên gia kinh tế Trịnh Thị Thanh Thuỷ, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, cho biết sản xuất ra một sản phẩm cũng cần phải định danh, gắn một nhãn hiệu, đi kèm chất lượng được đảm bảo như thế nào, quy trình ra làm sao… Nhưng đến nay, vấn đề thương hiệu vẫn chưa được giải quyết ở cả sản xuất, lưu thông và xuất khẩu. Vụ gạo ST xuất khẩu là bài học ấn tượng.
Ngay như vải Bắc Giang, theo bà Thủy, cách đây vài năm, đã có đề tài cấp nhà nước hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, rất quy mô, bài bản. Nhưng đến giờ, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho vải Bắc Giang trong và ngoài nước như thế nào cũng còn rất mông lung, chưa nói đến việc các sản phẩm vùng sâu vùng xa. Kể cả việc cơ bản nhất hiện nay là định danh vùng trồng, tức mỗi sản phẩm phải có mã số vùng trồng, để đáp ứng điều đó đã có không biết bao nhiêu gạch đầu dòng: sản xuất ra sao, chất lượng thế nào, quy mô, sản lượng đủ lớn hay không…
“Tất cả những yêu cầu như vậy, câu hỏi ai là người đứng ra giám sát, đảm bảo và xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp hay hợp tác xã? Vấn đề là ở vùng miền núi, vùng sâu vùng xa có quá nhiều khó khăn, rất ít doanh nghiệp mặn mà khi đầu tư vào đây. Bởi họ phải cân nhắc bài toán thu hồi vốn, chưa nói là phải có lợi nhuận”, bà Thủy nói.
Về phía cơ quan quản lý, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) việc thay đổi nhận thức cho bà con là việc đầu tiên cơ quan quản lý phải làm, nếu không sẽ lại quay lại câu chuyện “con gà – quả trứng”: thiếu nguồn lực – không mở rộng sản xuất, đầu tư thương hiệu – tiêu thụ kém – thiếu nguồn lực.
“Khi bà con thay đổi được suy nghĩ thì họ mới ý thức được việc phải đầu tư. Chưa nói đến tài chính, việc đầu tư về con người, cách làm, cách bán hàng… cũng là thành công ban đầu. Sau đó các bộ ban ngành sẽ hỗ trợ để triển khai bán hàng trực tuyến thuận lợi. Còn nếu không thay đổi nhận thức, nhà nước hỗ trợ thì họ cũng không muốn làm và cũng không chuyển biến”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm với các kênh thương mại điện tử, để sản phẩm được quảng bá rộng rãi, hỗ trợ cho việc tiêu thụ dễ dàng hơn.
“Chúng tôi nỗ lực kết nối mang sản phẩm từ vùng này sang vùng kia để bán. Như đợt vải thiều Bắc Giang, rất nhiều người TP.HCM nói rằng rất lâu rồi họ mới được ăn quả vải tươi ngon như thế. Đó là khoảng trống thị trường mà chúng ta đã bỏ qua trong nhiều năm, đến giờ chúng ta tận dụng thương mại điện tử để làm điều đó. Đó là bài học cho thấy nếu người dân quyết tâm và nhiều cơ quan cùng hỗ trợ thì sẽ đạt được hiệu quả như vậy”, ông Hoàng nói.