Nhà bán hàng còng lưng gánh phí trên Shopee, Lazada, Amazon
(DNTO) - Có quá nhiều nhà cung cấp cùng lên một nền tảng bán mặt hàng giống nhau là sự cạnh tranh rất lớn. Chưa kể các nhà bán buộc phải đua nhau hạ giá để thu hút khách hàng trong khi mức phí cho các sàn chiếm tới 20% đã ăn sâu vào lợi nhuận của họ.
Phải chi hàng trăm triệu/năm cho một gian hàng
Sau 1 năm đưa sản phẩm mẹ và bé bán trên các sàn thương mại điện tử, chị Nguyễn Hoài Anh (Gia Lâm, Hà Nội) buộc phải đóng cửa gian hàng. “Không thể cạnh tranh nổi”, chị Hoài Anh nói về việc các nhà bán khác cùng ngành đua nhau hạ giá để thu hút khách hàng, trong khi chị không thể làm điều đó vì sẽ ăn hết vào giá vốn và lợi nhuận.
Đây cũng là kết quả từ cuộc khảo sát 24.000 người dùng Việt trên Shopee, sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam hiện tại, cho thấy 57% người dùng thích săn hàng có mức giá tốt nhất. “Chỉ cần chênh nhau 2-3 nghìn đồng là khách hàng cũng sẽ mua sang gian hàng khác”, chị Hoài Anh nói.
Chưa kể, các nhà bán hàng nhỏ lẻ như chị Hoài Anh hiện còn đối diện với mức chi phí khá cao mà các sàn thương mại điện tử thu của họ để duy trì và vận hành gian hàng. Kể cả chưa bán được hàng, doanh nghiệp, nhà cung cấp vẫn phải chi trả mức phí này. Muốn bán được hàng phải tốn thêm kha khá chi phí marketing, quảng cáo để sản phẩm ưu tiên hiển thị trên sàn, tiếp cận với khách hàng tốt hơn.
“Chi phí khởi tạo và duy trì gian hàng trên các sàn thương mại điện tử hiện rất cao, tối thiểu khoảng 20%, tức bán được đơn hàng 100 nghìn thì phải trả loại cho nền tảng 20 nghìn”, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm phát triển thương mại điện tử - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, cho biết trong Diễn đàn Đẩy mạnh hiệu quả kết nối cung – cầu hôm 23/11.
Vị này lấy ví dụ như tại Alibaba, sàn thương mại điện tử toàn cầu đang giúp bán ra khoảng 18 triệu sản phẩm Việt Nam từ đầu năm tới nay, với tốc độ tăng trưởng khoảng hơn 40%, gấp 2,3 lần thương mại điện tử nội địa, nhưng chi phí vận hành gian hàng trên sàn rất lớn. Trung bình nhà bán phải trả 52 triệu/năm cho một gian hàng và phải trả tiền trước mới được mở gian hàng. Thành viên cao nhất hiện nay có thể phải đóng 233 triệu đồng/năm.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Thành cho biết để duy trì trả mức chi phí này thật sự khó. Còn doanh nghiệp đã lên sàn, phát sinh đơn hàng có thể dùng doanh thu để quay vòng, trang trải cho lệ phí gian hàng.
Nhưng không phải doanh nghiệp cứ lên sàn thương mại điện tử là bán được hàng. Nếu không làm tốt, không tối ưu hoá gian hàng, không quảng bá thì rất khó bán hàng. Doanh nghiệp còn có thể đối diện với việc gỡ gian hàng, sản phẩm bất cứ lúc nào nếu có vài phản ánh xấu từ khách hàng. Năm 2022, đã có tới 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm bị cơ quan chức năng gỡ bỏ do kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc. Do đó nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp không thể bán được hàng dù đã lên gian hàng online từ rất lâu.
“Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng có một thoả thuận hợp tác với Amazon, đó là hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn tư vấn 1-1 để làm sao doanh nghiệp có thể lên sàn này bán hàng. Nhưng suốt hơn 1 năm qua, tới thời điểm này, chúng tôi mới đưa được khoảng hơn 10 doanh nghiệp lên trên đó”, ông Thành thông tin.
Phải dán nhãn gian hàng uy tín
Khảo sát người tiêu dùng của BASES mới đây ở 14 thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam cho thấy người tiêu dùng không những đang tìm kiếm “những sản phẩm tốt” mà còn nhiều lợi ích về tài chính cũng như công dụng.
Ví dụ các sản phẩm mỹ phẩm phải có hoạt chất chống lão hoá (retinol, AHA/BHA, HA…), sản phẩm chăm sóc em bé họ yêu cầu an toàn sử dụng và nguyên liệu tự nhiên; các sản phẩm thực phẩm đóng gói phải có giá cả hợp lý, nguyên liệu chất lượng, tốt cho sức khoẻ; sản phẩm bánh kẹo, bia rượu phải ít calo…
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen Miền Bắc cho biết bài toán giá cả - giá trị đặt ra nhiều bài toán hơn cho doanh nghiệp. Đó là lý do thực trạng tại nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh hiện nay là lượng hàng tồn kho lớn vì sản phẩm không được tiêu thụ như kỳ vọng, sản phẩm chỉ bán được ở một số khu vực.
“Người tiêu dùng luôn đòi hỏi những sản phẩm mới, trải nghiệm mới. Đặc biệt họ quan tâm đến sức khỏe nhưng nghi ngờ chất lượng hàng nội địa”, bà Hà thông tin.
Bà Hà khuyến nghị các doanh nghiệp cần tìm đại dương xanh cho mình với những câu hỏi lớn. Về sản phẩm: Sản phẩm nào cần phát triển theo xu hướng tiêu dùng? Đâu là cơ hội để tăng trưởng doanh thu cho sản phẩm của doanh nghiệp? Về đối tác và kênh bán: Cách tìm đối tác trong nước và nước ngoài? Các kênh kết nối? Cách tiếp cận và bán hàng hiệu quả? Về thương hiệu: Có cần chiến lược khác biệt hóa thương hiệu? Xây dựng câu chuyện thương hiệu như thế nào?
Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cho biết hiện Bộ Công thương cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, thậm chí có đề án hỗ trợ 70% chi phí giúp doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử.
Cục này cũng đang kết nối với 10 sàn địa phương cũng như một số đơn vị hỗ trợ bán được sản phẩm uy tín, sản phẩm địa phương. Các sản phẩm sẽ được xác thực 2 lớp: Sở Công thương chịu trách nhiệm đầu tiên về sản phẩm trước khi đẩy lên sàn. Sau đó đơn vị của Cục cũng đánh giá xem sản phẩm có khả năng bán online hay không, các thông tin từ địa phương gửi có đúng hay không, lúc đó sản phẩm mới có thể hiển thị trên sàn.
“Chỉ cần 1 số điện thoại có thể khởi tạo 1-10 gian hàng trên Shopee, nay khởi tạo mai lại có thể đóng lại, người tiêu dùng rất khó để đòi quyền lợi chính đáng. Trong thời gian tới, phải có chính sách quản lý phù hợp hơn, quản lý tới tận gian hàng, đánh giá gian hàng theo các tiêu chí của Bộ Công thương về số lượng đơn hàng phát sinh, không giả mạo nhãn hiệu, thời gian xử lý đơn hàng, chính giải quyết nhanh có thể được dán nhãn gian hàng uy tín”, ông Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh.