Cuộc thanh lọc mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử
(DNTO) - 2023 chứng kiến sụt giảm mạnh số lượng nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử, cùng với những chính sách thắt chặt từ các sàn, khiến việc buôn bán online không còn dễ dàng như trước.
Tuần cuối cùng của năm 2023, Shopee thực hiện một biện pháp mạnh tay tới những người bán (seller) "có hành vi gian lận". Cụ thể, sàn đã cấn trừ số tiền lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng với những shop cố tình lạm dụng mã giảm giá trong các đợt khuyến mãi nhằm trục lợi bất chính.
Để xử lý người bán vi phạm, bên cạnh những biện pháp như hủy đơn hàng, phong tỏa số dư ví Shopee, khóa tài khoản... Shopee còn đưa ra chế tài phạt tiền tới 10 triệu đồng/đơn hàng từ ngày 28/12/2023 nhằm bù đắp thiệt hại. Sàn cũng cho biết sẽ báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý người bán vi phạm chính sách.
Động thái mạnh mẽ của Shopee đưa ra sau nhiều năm sàn này phải gánh khoản lỗ lên tới hàng trăm triệu USD ở nhiều thị trường, trong đó có Việt Nam, cũng đánh dấu một cuộc thanh lọc mới trên các sàn thương mại điện tử. Bởi nhiều năm nay, các sàn thương mại điện tử luôn trong tình trạng “lỗ chồng lỗ” vì cuộc chiến “đốt tiền” nhằm thu hút nhà bán hàng và người mua. Nhưng, kinh tế khó khăn làm sức khỏe tài chính của sàn suy yếu, buộc họ phải tìm hướng đi mới để tìm kiếm lợi nhuận.
Chưa kể, áp lực từ phía cơ quan chức năng trong việc quản lý sản phẩm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử cũng khiến việc kinh doanh trên sàn phải nghiêm túc, bài bản hơn. Thời gian qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số liên tục yêu cầu các website thương mại điện tử rà soát và gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm. Đã có có 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ.
Việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử vì thế không còn dễ dàng như trước. Mặc dù theo báo cáo của Metric, tổng doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) năm 2023 là 233,2 nghìn tỷ đồng, tăng 52,3% so với năm trước, là mức tăng trưởng mạnh nhất trong 3 năm trở lại đây.
Nhưng thị trường tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm của nhà bán so với năm 2022. Tổng số shop có phát sinh đơn hàng trên 5 sàn là 637.273, giảm 1,3%, tương đương khoảng 10.000 nhà bán.
“Chưa chắc doanh số trên các sàn tăng thì các nhà bán có lợi và tồn tại được”, ông Kiên Đoàn, Founder kiêm CEO Reputyze Asia, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm về truyền thông, tiếp thị kỹ thuật số, nhận định.
Vị này phân tích, theo thống kê của Metric, các đơn hàng phổ biến nằm ở mốc 100-500 nghìn đồng. Với doanh nghiệp khai thác hàng tiêu dùng, đây là một con số khá nhỏ so với một đơn hàng.
Xu hướng thương mại điện tử là phổ biến nhưng bản chất là người tiêu dùng đang tìm những giá trị, sản phẩm, đơn hàng được tiết kiệm hơn, trong bối cảnh họ phải chi tiêu dè xẻn. Do đó mặc dù doanh số của các sàn thương mại điện tử tăng nhưng cuộc chơi thuộc về những kẻ mạnh.
“Người tiêu dùng chỉ mua những gì cần thiết và họ chỉ mua khi có khuyến mãi, thậm chí chờ đến kì khuyến mãi thật lớn. Họ chỉ mua khi nhận ra món hàng mua được có lợi ích lớn hơn với giá tiền nhỏ hơn. Không chỉ người tiêu dùng, kể cả các doanh nghiệp lớn cũng vậy. Tôi dự hội nghị chiến lược của Coop Mart, họ cũng có câu khẩu hiệu “Get more with less” (tạm dịch: mua nhiều hơn với ít tiền hơn)”, ông Kiên nói.
Ông Phạm Xuân Tùng, CEO kiêm Sáng lập Anneco (đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam), cho biết bán hàng thương mại điện tử trong nước khó 1 thì bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới khó gấp 10 lần. Ví dụ Amazon hiện là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới rất tiềm năng. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đạt doanh thu 1 triệu USD trên sàn này, thậm chí có doanh nghiệp từ năm 2018 đến nay đã đạt hàng chục triệu USD trong 1 năm, nhưng không phải tất cả đều màu hồng.
“Ở Việt Nam, việc lưu kho, có rất nhiều kho bãi rẻ, nhân công dán 1 cái tem cũng rất dễ. Tuy nhiên chúng tôi đã từng gặp chỉ một lỗi dán 1 con tem trên sản phẩm với 1 container hàng gồm 2.500 sản phẩm, chi phí doanh nghiệp đội lên gần 10.000 USD. Bởi dán 1 con tem ở bên Mỹ phải mất trung bình tới 0,5 USD/ sản phẩm. Việc kéo container, gỡ hàng, lưu kho ở Mỹ rất đắt đỏ nên doanh nghiệp cần chú ý đến vấn đề logistics. Dòng tiền bên Mỹ như sàn Amazon đang giữ 14 ngày, doanh nghiệp phải chuẩn bị trước”, ông Tùng chia sẻ.
Trước làn sóng thanh lọc mạnh mẽ trên các sàn thương mại điện tử, theo các chuyên gia, doanh nghiệp phải có chiến lược bài bản và các kế hoạch bán hàng rõ ràng. Mặc dù người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nhưng lại yêu cầu cao hơn về chất lượng của sản phẩm, dịch vụ. Do vậy, người bán nên hướng tới cạnh tranh bằng giá trị thay vì giá cả và các chương trình khuyến mãi.
Đặc biệt, dù đang có nguồn thu rất tốt trên kênh thứ 3, doanh nghiệp đừng bỏ quên việc chăm sóc các kênh sẵn có như cửa hàng vật lý, website, fanpage... và tìm cách kéo khách hàng về các kênh truyền thống để chăm sóc.