Chuyên gia: Kinh doanh trên mạng mà chỉ nghĩ tới TikTok, Shopee là quá rủi ro
(DNTO) - Chuyên gia cho rằng, nếu không xây dựng thương hiệu mạnh, phân tích thị trường kĩ lưỡng thì việc bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ chỉ như “dã tràng xe cát”.
Hơn 90% doanh nghiệp trên toàn cầu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với hình hài như vậy, doanh nghiệp lớn có nhiều chiến lược, định hướng để phát triển, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ, theo chuyên gia không còn cách nào hiệu quả hơn bán hàng trực tuyến.
Ông Lê Hùng Anh - Chủ tịch Bin Corporation Group (Shark Hùng Anh) cho biết hiện nay Việt Nam đang có mạng lưới viễn thông, internet nhanh, rẻ so với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Gần 80% công việc được giải quyết trên điện thoại di động. Vì vậy, nếu bán hàng theo cách truyền thống không qua điện thoại thì không hiệu quả, tỉ lệ chuyển đổi đơn hàng vô cùng thấp. Trong khi đó tỉ lệ chuyển đổi nhanh nhất hiện nay thuộc về các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok...
“Nếu khởi nghiệp mà không làm về digital marketing (tiếp thị số) thì các bạn không còn đường, trừ khi các bạn mở cà phê ở ngã ba đường thì có thể không cần chạy quảng cáo”, ông Hùng Anh nói.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, sự thay đổi trong ngành digital marketing thay đổi rất nhanh chóng. Trước đây vài năm, ai cũng lên Shopee mua hàng, nhưng giờ một lượng khách hàng đã chuyển sang TikTokShop. Giới trẻ Mỹ không dùng Facebook mà dùng Instagram, X hoặc mới nhất là TikTok. Nếu doanh nghiệp không kịp phân tích thị trường, thay đổi chính mình thì tập khách hàng trẻ, tiêu dùng nhiều sẽ không thể tiếp cận được.
Bên cạnh đó, những phiên livestream doanh số hàng trăm tỷ hiện nay chủ yếu thu hút khách hàng nhờ vào việc giảm giá “sập sàn”. Nhìn qua tưởng rất hấp dẫn, tuy nhiên lại ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp, người bán hàng. Nếu doanh nghiệp cứ chạy theo các sàn thể livestream mà không xây dựng hệ thống bán hàng vững chắc thì rất dễ “sập tiệm” khi chính sách của sàn thay đổi.
“Website của các bạn mới là nhà của các bạn, phải bảo vệ và phát triển nó. Còn những nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok chỉ là công cụ bán hàng. Một ngày, nếu các nền tảng này cấm các gian hàng của bạn thì các bạn phải làm sao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp bắt đầu làm ăn trên mạng mà chỉ nghĩ đến Shopee, TikTok là quá rủi ro. Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm và hệ thống bán hàng mạnh là lý do chúng tôi vượt qua các giai đoạn suy thoái kinh tế, khách hàng tăng trưởng ổn định”, ông Hùng Anh chia sẻ.
Ông Lê Thanh Tín, CEO, Nhà sáng lập Adtek Growth Marketing Agency, từng là Giám đốc Marketing tại Vincommerce, Lazada, Shopee Việt Nam, cũng cho biết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, các sàn thương mại điện tử liên tục tung ra các chiến dịch hỗ trợ truyền thông, tăng lượng theo dõi, ưu tiên hiển thị lên trang chủ. Theo khảo sát, ngày bình thường, lượng truy cập tại đây có thể lên tới 13 triệu người với sàn Shopee và 7 triệu người với sàn Lazada. Còn với ngày các sàn có chiến dịch lớn, con số này lần lượt là 14,5 triệu người và 7,6 triệu người. Tuy nhiên, phương án này không dành cho phần đa doanh nghiệp.
"Các chiến dịch của các sàn thương mại điện tử rất dày đặc. Trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đều phân “đất” cho các doanh nghiệp đặt banner, hình ảnh quảng cáo cho thương hiệu. Đây cũng là phần tốt nhất nằm trên trang chủ của sàn và tập trung nhiều truy cập. Tuy nhiên phương án này thường dành cho các doanh nghiệp, thương hiệu lớn vì tốn chi phí, dù sàn có hỗ trợ một phần. Với các doanh nghiệp nhỏ, phương án tốt nhất là tập trung xây dựng thương hiệu, giữ giá trị cốt lõi song song với tận dụng các ưu đãi của sàn", ông Tín khuyến nghị.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng Bộ môn Thương mại điện tử, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại thương, cho biết kể cả các doanh nghiệp chuyên doanh trên thương mại điện tử hiện nay cũng phải tìm cách đa dạng hóa kênh bán hàng của mình. Ngay cả Amazon, từng là sàn thương mại điện tử thuần túy, gần đây cũng phải phát triển các cửa hàng vật lý tự động, không nhân viên để khách hàng mua sắm và trải nghiệm công nghệ của họ. Ngược lại, hệ thống siêu thị WinMart là chuỗi cửa hàng vật lý nhưng đã triển khai hệ thống chợ online Scan & Go, giúp khách hàng mua sắm online và giao hàng tận nơi.
“Xu hướng O2O – Offline to Online (trực tiếp tới trực tuyến) và ngược lại vì thế vẫn phát triển trong giai đoạn hiện tại và kể cả giai đoạn tới”, ông Quân nhận định.
Với các nhà bán hàng nhỏ lẻ, chuyên gia khuyến nghị mô hình kinh doanh tối ưu vẫn là Dropshipping. Tức họ không cần sản xuất, không cần đơn vị vận chuyển vẫn có thể bán hàng với tư cách là một trung gian thương mại, kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.
“Thậm chí mô hình này hiện nay còn xuất hiện trong cả thương mại điện tử xuyên biên giới. Ví dụ một công ty ở Ấn Độ, châu Phi đặt mặt hàng hạt nhựa từ nhà cung cấp Trung Quốc, nhưng thực tế công ty sản xuất lại đặt ở Việt Nam”, ông Quân ví dụ.