Các thương hiệu kéo nhau lên livestream: Đừng chỉ chăm chăm quảng cáo về sản phẩm
(DNTO) - Các phiên livestream với doanh số hàng trăm tỷ thời gian gần đây đã thúc đẩy làn sóng thương hiệu lần lượt kéo nhau phát trực tiếp để bán hàng. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để cạnh tranh hiệu quả khi có quá nhiều nhãn hàng cũng đang làm việc tương tự?
Hàng trăm tỷ đồng doanh số thu về sau mỗi phiên livestream khiến các nhãn hàng cho rằng đây là hình thức béo bở giúp họ nhanh chóng tăng doanh thu. Đó là lý do trong vài tháng trở lại đây, những thương hiệu tưởng chừng như chỉ có thể bán trực tiếp như bất động sản, xe điện... hay những sản phẩm gà rán, sầu riêng... cũng bắt đầu sử dụng hình thức livestream để bán hàng.
Nhưng, rất nhiều chuyên gia trong ngành đã bóc mẽ về việc có những “thủ thuật”, dịch vụ tăng lượng người xem hay đặt đơn ảo. Thậm chí, doanh số hàng trăm tỷ đồng đạt được cũng chỉ ở thời điểm kết thúc phiên phát trực tiếp vì sau đó, số lượng hàng hủy, hàng hoàn trả lại cũng rất lớn.
Thực tế, không thể phủ nhận rằng, livestream vẫn là hình thức hiệu quả để bán hàng vì người mua có thể trực tiếp nhìn thấy sản phẩm, tương tác tức thời với người bán, thậm chí giá mua có thể rẻ hơn do được ưu đãi, khuyến mại. Nhưng livestream hiện nay không còn đơn giản là việc bật camera điện thoại, máy tính để phát trực tiếp và quảng cáo về sản phẩm nữa, livestream ngày nay cần chuyên nghiệp và đầu tư bài bản hơn.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phụ trách quan hệ chính phủ, Công ty TikTok Việt Nam, cho biết nhiều người ví TikTok giống như một phép nhân, nếu doanh nghiệp có sản phẩm hay, câu chuyện truyền cảm hứng, thông qua TikTok chỉ sau 1 đêm lên xu hướng, người tiêu dùng cả nước sẽ biết đến. Nhưng đó là lý tưởng, để làm được điều đó thì doanh nghiệp phải hiểu về cách làm nội dung: quay video về quá trình sản xuất, livestream bán hàng, sau đó học cách vận hành.
“Từ câu chuyện đang xuất 1 container hay xe hàng 3-5 tấn bán sỉ, giờ chuyển sang bán lẻ 2.500 đơn là câu chuyện khác. Làm thế nào để không sai sót thì cần phải học. Hay các chương trình tổ chức livestream, rất nhiều chủ doanh nghiệp tự tin về khả năng ăn nói của mình, nhưng lên sóng chỉ 5 phút là hết từ, không còn nội dung để nói. Để làm được điều này phải khổ luyện, liên tục nói đi nói lại cho quen”, ông Toàn cho biết.
Ông Lê Thanh Tín, CEO, Nhà sáng lập Adtek Growth Marketing Agency, với 10 năm kinh nghiệm trong ngành thương mại điện tử, từng là Giám đốc Marketing tại Vincommerce, Lazada, Shopee Việt Nam, cũng cho biết rất nhiều thương hiệu đầu tư mạnh vào livestream, mời cả KOL (người có sức ảnh hưởng trên mạng) để quảng cáo sản phẩm, tuy nhiên lại không thành công.
Nguyên nhân là do quá nhiều nhãn hàng đang làm tương tự. Trong khi đó, livestream hiện nay đã bước sang giai đoạn trưởng thành hơn, không đơn thuần chỉ là bán hàng nữa mà cần phải có nội dung cụ thể.
“Tức người livestream cần chia sẻ kiến thức có giá trị nào đó cho khách hàng mình chứ không phải chỉ quảng cáo về sản phẩm. Như vậy thì khách hàng mới có thể ở lại lâu hơn trong phiên livestream”, ông Tín nhấn mạnh.
Qua quan sát diễn biến của cộng đồng thời gian gần đây, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy một điều rằng người tiêu dùng hiện đã thông minh và khó tính hơn trong việc tiếp cận với các sản phẩm cũng như các thông tin xung quanh sản phẩm. Đó là lý do họ sẵn sàng phản ứng, thậm chí kêu gọi tẩy chay những KOL quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ nhưng lại thiếu kiến thức, trải nghiệm về sản phẩm dịch vụ đó.
Vì vậy, mạng xã hội cũng giống như "con dao 2 lưỡi", một mặt giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tốt hơn, nhưng mặt khác cũng là nơi khiến những "vết dầu loang" của doanh nghiệp bị lan tỏa nhanh chóng. Vì vậy, sử dụng các phương pháp truyền thông, PR, marketing trên mạng xã hội cần chuẩn bị những phương án xử lý truyền thông hiệu quả.
Vị chuyên gia cũng khuyến nghị 4 yếu tố cần lưu ý để có một phiên livestream thành công: có 1 câu chuyện để nói; sử dụng KOL chuyên ngành (về mỹ phẩm, thực phẩm, thời trang, điện tử…); lồng ghép sản phẩm một cách khéo léo và background phù hợp và thể hiện được thương hiệu.
Nếu bạn lần đầu tiến hành livestream chắc chắn sẽ không có nhiều người quan tâm. Mấu chốt ở đây là phải kiên nhẫn và đầu tư trong dài hạn. Nên định kỳ lịch phát sóng hàng tuần và thông báo cho khách hàng về chủ đề của tuần tiếp theo. Thời lượng livestream hiệu quả là 45 phút và chèn một số minigame: tung xu, tung voucher, đấu giá để tăng tương tác và giữ chân người xem.
Người chơi game có tỷ lệ đăng nhập cao hơn (18 lần/tháng) so với người không chơi (12 lần/tháng). Đặc biệt số người chơi game tăng 3 lần trong ngày Mega Sale. Các thương hiệu có thể tài trợ voucher, quà tặng miễn phí dành cho người chơi game.
Về việc sử dụng các KOL, KOC, chuyên gia khuyến nghị các nhãn hàng không cần booking từng người mà tại mỗi sàn thương mại điện tử hiện đều có dịch vụ này. Doanh nghiệp chỉ cần chọn những KOL, KOC phù hợp cho nhãn hàng của mình. Chi phí sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều nếu sử dụng dịch vụ Affilate Marketing Solution của sàn.
“Cần xây dựng một nội dung để KOL nói về sản phẩm, giải quyết những khó khăn cho bán hàng chứ đừng chỉ bán hàng. Nên làm thành 1 chuyên đề với KOL sẽ thành kho kiến thức cho khách hàng mỗi khi có nhu cầu”, vị này gợi ý.