Sức ép từ Temu, Taobao: Việt Nam cần giảm chi phí logistics xuống còn 5% GDP để cạnh tranh
(DNTO) - Chi phí của logistics tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 18% GDP. Theo chuyên gia, chi phí này là khá cao, cần phải kéo xuống 5% mới cạnh tranh được với hàng hóa từ các thị trường khác.
Hàng giá rẻ nhờ chi phí logistis thấp
Tại Hội nghị Logistics Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi để bứt phá” hôm 31/10, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương chia sẻ về sự đổ bộ của hàng hóa từ các sàn thương mại điện tử Temu, Shein, Taobao… vào Việt Nam, với tốc độ vận chuyển nhanh không tưởng và mức giá “rẻ như cho”.
Trước hết, ông Hải cho rằng Trung Quốc đã xây dựng chiến lược phát triển các ngành nói chung, trong đó có ngành logistics rất tốt. Ở khâu triển khai, quốc gia này cũng đang thực hiện khá hiệu quả. Điều này giúp doanh nghiệp Trung Quốc tích luỹ và trở thành doanh nghiệp lớn, cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường thế giới. Vì vậy, khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp này có rất nhiều lợi thế, đã và đang khai thác thị trường rất tốt.
“Hiện hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam đặt hàng qua các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là từ Trung Quốc đều là những sản phẩm Việt Nam có thể sản xuất. Tuy nhiên, hàng nhập về Việt Nam có giá rẻ hơn rất nhiều nhờ chi phí logistics thấp. Như vậy, câu chuyện làm thế nào để doanh nghiệp Việt thu hẹp khoảng cách này được đặt lên hàng đầu, bởi nếu không làm được, sớm thì muộn, các ngành sản xuất trong nước sẽ khó tồn tại được nữa”, ông Hải nhận định.
Chia sẻ thêm về khả năng phát triển hạ tầng logistics của nước bạn, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết thời gian cấp phép xây dựng của Trung Quốc rất nhanh. Ví dụ cấp phép nhà máy ô tô của Tesla, từ khi quyết định đầu tư tới khi hoàn thành công trình chỉ trong vòng 11 tháng; xây dựng một trung tâm thương mại quy mô như Aeon chỉ dưới 3 tháng. Ngoài ra, Trung Quốc phát triển được hệ thống cao tốc có độ dài lớn nhất thế giới, kết nối các vùng kinh tế với nhau, thúc đẩy việc di chuyển, vận chuyển hàng hoá, logistics dễ dàng.
Chi phí logistics chiếm 5% GDP mới cạnh tranh được
Tiến sĩ Yap Kwong Weng, CEO, Việt Nam SuperPort cho biết Việt Nam được coi là điểm kết nối trung tâm của khu vực. Để giảm thiểu những rủi ro về chính sách, cần phải có tầm nhìn dài hạn 50 năm chứ không phải 10 hay 15 năm. Đồng thời phải đẩy mạnh sự hợp tác công -tư trong lĩnh logistics. Bởi với ngành logistics, nếu như hệ thống không vận hành đúng đắn thì các phần trong nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi ngành logistics như "mạch máu" của nền kinh tế.
“Chi phí của logistics tại Việt Nam đang ở trong khoảng 18%, chi phí này là khá cao, cần phải kéo xuống 5% mới cạnh tranh được với các thị trường khác”, ông Weng nói.
Để thu hẹp khoảng cách với hàng hóa Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các trung tâm logistics, là nơi kết nối với các hạ tầng giao thông như cảng biển, sân bay, đường cao tốc, đường sắt…
Tuy nhiên, sự phát triển của các trung tâm logistics trong thời gian qua ở Việt Nam còn khá manh manh mún và tự phát. Các trung tâm logistics hiện nay đang chủ yếu phục vụ thị trường nội địa với hạ tầng khá đơn giản, thiếu các trung tâm quy mô lớn, chuyên ngành, chuyên dụng, hoạt động hiện đại. Vì vậy, khả năng liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp logistics với nhau như trung tâm logistics nông sản lớn, kho lạnh lớn… phục vụ việc lưu trữ, phân phối hàng hoá để đưa đến các hệ thống siêu thị, bán lẻ... chưa thực sự tốt, chưa góp phần tăng giá trị gia tăng cho hàng hoá xuất khẩu.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa, Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng hệ thống đường thủy nội địa hiện đang giúp giảm được khoảng 20% chi phí logistics. Thậm chí vận chuyển hàng hóa qua đường thủy nội địa tại TP.HCM có thể giúp giảm được 50% chi phí hàng hóa. Đồng thời giảm phát thải ra môi trường, giảm ách tắc và tai nạn giao thông của đường bộ.
Dù vậy, đầu tư công cho đường thủy nội địa hiện chỉ mới ở mức 2%. Đây là một nghịch lý. Với mức đầu tư công thấp như vậy cũng phần nào hạn chế sự phát triển đối đường thủy nội địa. “Nếu đầu tư công đồng bộ, tương xứng hơn cho đường thủy nội địa, gia tăng sự kết nối của các cảng biển sẽ đem lại hiệu quả lớn cho logistics. Đầu tư công sẽ là tiền đề, vốn mồi của đầu tư tư nhân”, ông Thu nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống cao tốc, kế hoạch đến năm 2030, Việt Nam sẽ đưa vào khai thác 5.000 km đường cao tốc, ngoài ra là phát triển đường sắt kết nối phía Bắc, tuyến đường kết nối với Lào và các nước có cùng đường biên giới; cũng như đang xem xét thí điểm vùng phi thuế quan, khu thương mại xuyên biên giới với các nước có chung đường biên giới.
Tại tại kỳ họp thứ tám đang diễn ra, Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến Dự thảo Luật sửa đổi 4 luật lĩnh vực đầu tư như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.
“Các công trình, dự án này sẽ giải quyết được nhiều nguồn lực, tập trung thống nhất, sẽ giúp nền kinh tế có bước chuyển mình mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Thêm nữa, với các thông tin tích cực về cơ chế đang từng bước tháo gỡ, cũng như đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, tương lai kỳ vọng sẽ có các bước chuyển mình về hạ tầng nói chung và hạ tầng logistics nói riêng”, ông Lê Tuấn Anh kỳ vọng.