Công ty logistics nội địa trước cuộc cạnh tranh ngày càng không cân sức
(DNTO) - Sau số hóa, áp lực xanh hóa đang khiến thách thức của công ty logistics nội địa (chủ yếu là các công ty vừa và nhỏ) lớn dần khi phải đương đầu với nguồn lực hùng hậu của những công ty ngoại.
Khoảng cách sẽ ngày càng lớn
Chiếm tới 1/3 lượng phát thải toàn cầu nên logistics là ngành buộc phải xanh hóa sớm nhất khi các đối tác của họ là những nhà sản xuất, kinh doanh toàn cầu gặp áp lực giảm phát thải.
DHL, Gemadept, Kuehne+Nagel… những gã khổng lồ logistics nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam đã sớm tung ra cam kết giảm phát thải. Họ đang có những hành động mạnh mẽ như đầu tư vào các thiết bị chạy điện thân thiện với môi trường, tăng cường sử dụng công nghệ và tự động hóa để nâng cao hiệu suất hoạt động và giảm chi phí vận hành.
Nhưng việc chuyển đổi xanh của các công ty logistics nội địa không nhanh được như vậy. Chia sẻ trong tọa đàm “Thích ứng logistics xanh - giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”, hôm 9/9, ông Mai Trần Thuật, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á cho biết một kho 10.000 pallet hiện đang tiêu tốn 200 triệu đồng tiền điện mỗi tháng nên công ty cũng đang nghiên cứu việc lắp đặt điện mặt trời áp mái để giảm chi phí năng lượng và giảm phát thải ra môi trường, tuy nhiên, câu chuyện đầu tư ban đầu cũng là thách thức.
“Chúng tôi đã tìm rất nhiều nhà thầu để nghiên cứu, khảo sát làm giải pháp điện mặt trời áp mái. Nhưng hiện chưa có chính sách bán điện năng dư thừa cho các nhà máy khác hoặc bán lên điện lưới, vì vậy chúng tôi cũng chưa thể đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái”, ông Thuật cho hay.
Hay trong vận tải, hệ thống xe tải của công ty đang sử dụng là xe tải lạnh, mức độ xả thải cao hơn loại thông thường. Chi phí nhiên liệu đang chiếm 35% giá thành vận tải. Công ty cũng suy nghĩ đến việc chuyển sang sử dụng xe tải điện, nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có đơn vị nào cung cấp loại xe này.
“Kể cả chúng tôi có tự đầu tư xe tải điện thì trạm sạc cũng khó khăn. Quãng đường di chuyển của các xe tải thường rất dài nên cần có chiến lược tổng thể mới phát triển xe tải điện, việc này liên quan đến chính sách vĩ mô của Nhà nước”, ông Thuật nói.
Việt Nam hiện có hơn 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó doanh nghiệp nội địa chiếm tới 89% là doanh nghiệp trong nước nhưng chỉ chiếm 30% thị phần.
Theo TS. Trần Thị Thu Hương - Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại, cho biết phần lớn các doanh nghiệp của ta mới chỉ đóng vai trò vệ tinh, cung cấp dịch vụ logistis vệ tinh cho các công ty nước ngoài khi thực hiện dịch vụ logistics quốc tế. Nói cách khác, chúng ta mới chỉ tham gia một phần rất nhỏ trong chuỗi logistics toàn cầu.
Khi các công ty logistics đứng đầu chuỗi họ chuyển đổi xanh mạnh mẽ và yêu cầu doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cũng phải xanh hóa thì đây vừa là động lực nhưng cũng là thách thức. Việc đầu tư cho hoạt động xanh hóa tốn kém, với các doanh nghiệp Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa là áp lực trong việc quyết định chiến lược đầu tư. Các doanh nghiệp logistics lớn của Việt Nam cũng phải đẩy mạnh xanh hóa để có thể cạnh tranh lại trước áp lực từ các ông lớn nước ngoài đang hoạt động tại đây.
“Theo khảo sát của chúng tôi, 66% các doanh nghiệp logistics Việt Nam có mục tiêu xanh trong chiến lược phát triển kinh doanh của mình. Tuy nhiên, đi vào thực tế lại thấy rằng chỉ 33% doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ISO14.000. Điều này cho thấy từ chiến lược cho đến thực tế triển khai của doanh nghiệp vẫn còn khoảng cách”, bà Hương nói.
Xanh hóa từ trên xuống dưới
Nguồn lực xanh hóa bị hạn chế không chỉ ở phía doanh nghiệp. Theo TS Hương, cơ sở hạ tầng của ta dù đang phát triển nhưng cũng chưa đáp ứng yêu cầu xanh hóa của doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp muốn chuyển đổi vận tải đường bộ sang vận tải đường thủy nội địa hay đường sắt với lượng phát thải carbon thấp hơn, nhưng điều này cũng là thách thức.
“Ví dụ tỷ lệ đường cao tốc của chúng ta trong những năm qua phát triển mạnh nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu; hệ thống cảng biển mới chỉ có 1-2 cảng biển đạt tiêu chuẩn cảng xanh theo tiêu chuẩn quốc tế… Vì vậy cần nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn từ nhà nước để phát triển hạ tầng và hệ thống vận tải, đặc biệt vận tải đa phương thức để gia tăng vận tải qua đường thủy, đường sắt, giảm áp lực cho vận tải đường bộ”, bà Hương nói.
Ở góc độ chính sách, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết các chính sách phát triển logistics xanh đã được lồng ghép trong rất nhiều định hướng chiến lược của Chính phủ Việt Nam.
Một số chính sách ưu tiên như ưu đãi đầu tư dành cho các dự án xây dựng trung tâm logistics, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi sang phương tiện phát tải thấp: miễn lệ phí trước bạ trong 3 năm đầu tiên và giảm 50% lệ phí trước bạ trong 2 năm tiếp theo với xe tải điện vận hành bằng pin…
Hiện Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Chiến lược phát triển logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó vấn đề logistics xanh được chú trọng. Sau khi dự thảo được ban hành, dự kiến Bộ sẽ ban hành chiến lược phát triển xanh cho riêng dịch vụ logistics, trong đó tích hợp tất cả các vấn đề như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi phương thức vận tải…
“Chúng ta không nên nghĩ logistics xanh là phải thay đổi toàn bộ hệ thống điện đang dùng sang điện mặt trời áp mái hay đổi sang xe điện, mà nó là tất cả các hoạt động của doanh nghiệp có thể làm để giảm phát thải, ví dụ như tối ưu hóa quy trình để giảm lượng giấy tờ văn phòng không cần thiết, tiết kiệm nước trong sản xuất và kinh doanh… cũng góp phần thay đổi nhận thức và đóng góp vào quá trình xanh hóa”, bà Nhung nói.
Chưa làm được việc lớn, công ty của ông Thuật buộc phải thay đổi từ các việc nhỏ như chuyển vật tư đóng gói từ nilong, xốp nổ thành thùng carton; hoặc kết hợp với các bên đối tác để tối ưu việc giao hàng đến cùng một địa điểm. Công ty cũng nhanh chóng số hóa quy trình để giảm chi phí.