Làn sóng M&A trong lĩnh vực logistics ngày càng sôi động
(DNTO) - Tốc độ phát triển của lĩnh vực logistics tại Việt Nam luôn duy trì trên 2 con số, trong khi các doanh nghiệp nội địa chỉ tập trung vào các dịch vụ cơ bản. Điều này trở thành “miếng bánh” béo bở cho các doanh nghiệp logistics ngoại.
Đầu năm 2024, Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) hoàn thiện trung tâm logistics tại Quảng Ngãi với vốn đầu tư hơn 17 triệu USD.
VSIP là liên doanh giữa Sembcorp (Singapore) với Tập đoàn Becamex IDC từ những năm 1996, tới nay đã phát triển hơn 10 khu công nghiệp tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam. Ngoài ra, Sembcorp cũng phát triển các dự án nhà kho xây sẵn tại nhiều địa phương như Hải Phòng, Hải Dương…
Sembcorp là một trong những “ông lớn” nhìn ra tiềm năng tăng trưởng thị trường logistics Việt Nam từ sớm và mạnh tay đổ tiền đầu tư vào lĩnh vực này. Theo sau đó, rất nhiều đại gia quốc tế cũng tích cực tìm kiếm các cơ hội ở thị trường logistics Việt Nam. Điều này khiến số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam tăng mạnh.
Báo cáo Logistics Việt Nam 2023 cho thấy giai đoạn 2015 - 2019, Việt Nam thu hút 365 dự án đầu tư logistics và giai đoạn 2020 - 2022 với 203 dự án, tăng gấp 1,5 - 2,0 lần số dự án thu hút được của những giai đoạn trước.
Trong số 48 quốc gia đã có dự án đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam từ năm 1991 tới nay, số dự án đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất với 20% tổng số dự án; tiếp sau đó là các nhà đầu tư Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ,..
Đáng chú ý, đại đa số các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn hình thức liên doanh (50,4% số dự án) và 100% vốn nước ngoài (48,7% số dự án) khi đầu tư vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Một số ít các dự án (0,9%) lựa chọn hình thức Hợp đồng hợp tác kinh doanh và đều là các dự án được cấp phép từ năm 2010 trở về trước.
Lý giải về việc các doanh nghiệp nước ngoài mong muốn bắt tay với các doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực logistics, ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh SLP Việt Nam cho biết chiến lược đầu tư của công ty là làm việc trực tiếp với các đơn vị phát triển hạ tầng vì không muốn tham gia vào quá trình xin dự án hay giải phóng mặt bằng. Vì vậy, doanh nghiệp lựa chọn phương pháp M&A, mua lại các doanh nghiệp có quỹ đất, thẩm định pháp lý và quen thuộc môi trường đầu tư kinh doanh.
“Khi đó công ty chỉ cần rót vốn đầu tư thì tiết độ thực hiện rất nhanh, tránh mất thời gian. Đây là công cụ hữu hiệu mà công ty vẫn đầu tư trên toàn thế giới”, ông Nam nói.
Ở khía cạnh khác, bà Cao Cẩm Linh, Trưởng Ban Nghiên cứu, Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Việt Nam, cũng cho biết sở dĩ hoạt động M&A trong lĩnh vực logistics vừa qua sôi động một phần đến từ hoạt động doanh nghiệp nội địa đang “đuối” hơn các doanh nghiệp ngoại. Vì vậy khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ nghĩ ngay đến việc tìm kiếm các doanh nghiệp nội địa có tiềm năng để thâu tóm, dẫn đến việc “các doanh nghiệp nội địa chưa kịp lớn thì đã bị M&A”.
“Các doanh nghiệp trong nước gần như chưa có nhiều kinh nghiệm trong thương thảo, đàm phán. Thậm chí chưa có chuyên môn phân tích về tỷ lệ góp vốn, tỷ lệ biểu quyết; việc bán một phần hay toàn phần sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp. Đây là một trong những bất lợi và xu hướng M&A này sẽ diễn ra mạnh mẽ trong tương lai”, bà Linh nhận định.
Thừa nhận doanh nghiệp logistis nội địa còn nhiều khó khăn, ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu chính Viettel, cho rằng ngoài nguyên nhân như pháp lý chưa chi tiết và đồng nhất, hạ tầng giao thông và logistics chưa đồng bộ, thì nguyên nhân cơ bản do các doanh nghiệp nội địa vẫn gặp khó vốn đầu tư, nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm... dẫn tới khó mở rộng quy mô hoạt động, khó cạnh tranh.
“93-95% lao động trong các doanh nghiệp logistics nội địa thiếu chuyên môn, không được đào tạo bài bản nên chủ yếu tham gia ở mức độ các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, quản lý kho và xử lý vận đơn...”, ông Sơn nói.
Việt Nam đang có hơn 30.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics. Doanh nghiệp trong nước chiếm 89% về số lượng nhưng chỉ chiếm 30% thị phần. Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp liên doanh chiếm 10% và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, nhưng chiếm tới 70% thị phần.
Vì vậy, ở góc độ khác, bà Linh cũng cho rằng xu thế M&A là tất yếu với thị trường logistics Việt Nam và đây có thể xem là lối đi tắt để phát triển. Bởi với tốc độ phát triển logistics Việt Nam những năm gần đây đã đạt mức khoảng 14-16%, với quy mô doanh thu ước khoảng 40-42 tỷ USD mỗi năm, các doanh nghiệp Việt Nam dường như đang “khoác 1 chiếc áo hơi rộng”. Do đó, bà Linh cho rằng cần sự chuyên nghiệp đến từ doanh nghiệp FDI để cùng nhau mở rộng quy mô và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng logistics toàn cầu.