Chuyên gia: Nhiều doanh nghiệp hiểu chưa đúng về logistics xanh
(DNTO) - Theo chuyên gia, doanh nghiệp logistics phải tìm cách giảm phát thải trong chính hoạt động vận chuyển, vận tải và vận hành để không bị đào thải khỏi các hoạt động thương mại toàn cầu.
37% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đến từ hoạt động vận tải, một trong những khâu quan trọng nhất của logistics, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Dự báo nhu cầu vận chuyển hàng hóa sẽ tăng gấp 3 đến 2050 tại các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng gấp đôi.
Ngành logistics buộc phải xanh hóa khi yêu cầu phát triển bền vững từ các đối tác, nhà mua hàng và người tiêu dùng quốc tế mỗi ngày đặt ra cao hơn. Các công ty trong ngành phải tìm mọi cách để giảm phát thải, hướng tới trung hòa carbon nếu không muốn bị mất đơn hàng.
Chia sẻ trong Hội thảo APEC về Thúc đẩy logistics xanh hôm 16/4, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), cho biết ở nhiều nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khái niệm “logistics xanh” vẫn còn tương đối mới nên các hoạt động logistics xanh chưa được hiểu đầy đủ và chính xác. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp vẫn coi việc này là trách nhiệm, nghĩa vụ chứ không phải là cơ hội để năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Ông Ngô Khắc Lê, Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam, cho biết nếu các doanh nghiệp không xanh hóa thì sẽ dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại và xuất nhập khẩu trong nước và toàn cầu. Điều này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam khi xuất khẩu được coi là một trong những động lực quan trọng.
Nhưng do không hiểu đúng về khái niệm logistics xanh nên doanh nghiệp có những hoạt động xanh hóa chưa đúng và trúng, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
“Nhiều doanh nghiệp họ trồng cây, trồng hoa… và coi đó là logistics xanh. Hoặc các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại học theo cách làm của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn... dẫn đến không hiệu quả”, ông Lê cho biết.
Theo chuyên gia, “khó ở đâu gỡ ở đó”, trước hết cần giúp doanh nghiệp hiểu đúng, hiểu rõ khái niệm logistics xanh thông qua các hoạt động truyền thông thường xuyên và liên tục. Logistics xanh phải giảm được phát thải carbon (giảm tiêu thụ nguyên vật liệu như bao bì, đóng gói; tái sử dụng nguyên vật liệu; sử dụng nhiên liệu, năng lượng xanh, sạch...), giảm chi phí (vận chuyển, lưu kho sản phẩm, vận hành, năng lượng), đặc biệt tối ưu hóa chuỗi cung ứng bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại để tiết kiệm nguồn lực, thời gian vận tải, tối ưu quãng đường và khối lượng hàng hóa vận tải...
Vì vậy, để quá trình xanh hóa ngành logistics đạt hiệu quả, theo ông Lê, ngay từ bây giờ phải quan tâm chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực như tài chính, trình độ và năng lực, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, phải chọn giải pháp, phương án phù hợp với từng doanh nghiệp, lĩnh vực và thực hiện xanh hóa từng phần theo lộ trình. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần hỗ trợ bằng chính sách thuế để tạo động lực cho doanh nghiệp khi áp dụng giải pháp xanh. Ngoài ra, cần khai thác loại hình giao thông đường thủy hiệu quả hơn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, phương thức chiếm đa số và phát thải lớn.
“Nếu hệ thống giao thông đường thủy nội địa, đường ven biển... được khai thác tốt hơn, hiệu quả hơn sẽ tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển, vừa giảm khí phát thải từ các phương tiện vận chuyển”, ông Lê nói.
Liên quan đến logistics trong lĩnh vực thương mại điện tử, trong hội thảo mới đây, bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng giám đốc EY- Parthenoon, cho biết việc giao hàng không thành công trong lần đầu tương đối cao vì khách hàng liên tục thay đổi địa điểm nhận hàng, quản lý phương tiện chưa phù hợp nên xe của một đơn vị vận chuyển có thể đi qua một khu vực rất nhiều lần trong ngày. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển và tăng tỷ lệ phát thải carbon.
Nhiều nước hiện đang áp dụng mô hình chuyển phát out of home (PUDO), chuyển phát tới một địa điểm nhận hàng chung thay vì tại nhà hay nơi làm việc của khách hàng. Việc này giúp người mua, người bán và người giao hàng linh hoạt lựa chọn địa điểm giao nhận, giảm rủi ro từ việc giao hàng không thành công, tối ưu chi phí vận tải, giảm phát thải carbon.
“Tại Trung Quốc, mô hình PUDO tăng trưởng 25% mỗi năm, thúc đẩy thương mại điện tử của nước này. Ở Việt Nam, theo khảo sát hơn 2.000 khách hàng của chúng tôi, 60% rất cởi mở với PUDO, trên 50% sẵn sàng di chuyển dưới 500m để lấy hàng vì chi phí hợp lý. PUDO cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, thay thế cho việc giao hàng nhiều bất cập hiện tại”, bà Hương nói.
Ngành logistics Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng bình quân khoảng 14-16%/năm. Đây là mức tăng trưởng khá lớn. Nhưng Việt Nam là một trong 6 quốc giới trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Bà Rebecca Orme, Giám đốc điều hành pháp lý khu vực Đông Nam Á của Fedex Express, cho biết cần xây dựng hệ sinh thái logistics xanh không chỉ trong quốc gia mà phải vươn ra khu vực và trên toàn cầu. Khi các quốc gia tạo thuận lợi thương mại biên giới sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ, tự động hóa các thủ tục hải quan cũng giảm nguồn lực, giảm thời gian thông quan và hướng tới xanh hóa ngành logistics.