Hàng giả - con đẻ của đạo đức giả

(DNTO) - 573 nhãn hiệu sữa giả được cung cấp ra thị trường trong nhiều năm qua vừa bị triệt phá là vụ việc gây rúng động thị trường hàng tiêu dùng trong mấy ngày qua. Nó chỉ ra việc coi thường sức khỏe, tính mạng con người của những kẻ mang trong mình thứ được gọi là đạo đức nhưng là đạo đức giả mạo. Đồng thời vụ việc cũng đặt ra cho chúng ta nhiều câu hỏi.
Sữa giả - sản phẩm của đạo đức giả
Trước đây, chúng ta hiểu đạo đức giả theo nghĩa dùng chỉ những kẻ sống hai mặt. Họ thường tạo ra một vẻ bề ngoài tử tế nhưng bên trong “tâm địa” hoàn toàn trái ngược. Ngày nay, đạo đức giả có thể hiểu theo một cách đơn giản hơn, đó là thứ đạo đức không phải thật. Nó mang tên là đạo đức nhưng nó không phải là đạo đức.
Không phải do trình độ, kiến thức, tay nghề, hoàn cảnh mà chính đạo đức giả đã khiến con người nhẫn tâm làm ra hàng giả.

Một số nhãn hiệu sữa giả. Ảnh: Internet
Hàng giả thời nào cũng có. Có thứ bày bán công khai và làm đẹp thêm cuộc sống như vàng giả, hoa giả, tóc giả, chân tay giả… được sản xuất bởi bàn tay tài hoa của các “nghệ nhân”. Nhưng cũng có rất nhiều thứ là sản phẩm của tội ác được ra đời bởi những đối tượng mang trong mình thứ đạo đức giả. Mặc dù, biết rất rõ hậu quả nghiêm trọng do hàng giả gây ra nhưng vì lòng tham từ lợi nhuận mà hàng giả mang lại đã khiến họ vẫn cố tình sản xuất, phân phối và tham gia quảng cáo cho hàng giả được cung cấp ra thị trường.
Sự việc Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi lừa dối khách hàng, sản xuất hàng giả liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera của Tập đoàn Chị Em Rọt vẫn còn khiến dư luận hết sức phẫn nộ, lo lắng và hoang hoang thì… mới đây, một đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng cực lớn trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận vừa bị các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phát hiện, triệt phá.
Cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam các bị can gồm: Vũ Mạnh Cường và Hoàng Mạnh Hà là chủ mưu, trực tiếp đứng ra liên kết, góp vốn, huy động cổ đông sáng lập ra hệ sinh thái các doanh nghiệp liên quan và cũng là cổ đông góp vốn chính tại Công ty Hacofood và Công ty Rance Pharma; đồng thời cũng là đối tượng chính, chủ mưu cầm đầu trong điều hành hoạt động từ sản xuất, kinh doanh đến phân phối tiêu thụ các sản phẩm sữa bột giả cùng 6 bị can khác về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm".
Cụ thể đến nay, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Tàn độc và bất nhân hơn hết là đối tượng mà chúng nhắm đến là người già có bệnh, phụ nữ mang thai và trẻ em mà đặc biệt là trẻ sơ sinh, sinh non, thiếu tháng…
Theo PGS-TS Trần Quang Trung, Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, bệnh nhân tiểu đường sử dụng sữa giả có thể khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, nếu dùng sữa giả lâu dài, trẻ có thể chậm phát triển, thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng trí não. Thai phụ thiếu dưỡng chất có thể khiến thai nhi nhẹ cân, sinh non hoặc thấp còi...
Khi nghệ sĩ và người nổi tiếng là “tòng phạm”
Có thể nói việc hàng giả cụ thể là sữa giả được cung cấp ra thị trường, nhanh chóng đến tay người dân, một phần lớn là “nhờ” có sự tham gia quảng cáo của một số nghệ sĩ và người nổi tiếng.
Nhân vật giải trí đặc biệt là nghệ sĩ nổi tiếng là nguồn tài nguyên quý giá mà các doanh nghiệp nhắm đến để khai thác, tận dụng làm bảo chứng cho việc quảng bá sản phẩm, bởi lòng tin mà thành phần này gieo vào nơi công chúng mộ điệu là rất lớn. Tuy không phải nhà sản xuất nhưng họ luôn hùng hồn "lấy uy tín của mình ra bảo đảm chất lượng sản phẩm". Họ thường tuyên bố bản thân cũng như gia đình họ đã trực tiếp dùng sản phẩm để củng cố niềm tin nơi khách hàng.

Cơ quan Công an thu giữ tài liệu tại trụ sở văn phòng Công ty Rance Pharma và Công ty Hacofood. Ảnh: Internet
Ngày khi vụ việc sữa giả vỡ ra, các trang mạng xã hội của một số nghệ sĩ đã từng tham gia quảng cáo sai sự thật, làm lố công dụng sản phẩm, như biên tập viên Quang Minh, MC Thanh Vân Hugo… đã “bay màu”.
Tương tự, trước đó là Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục, NSND Hồng Vân, diễn viên Cát Tường, Minh Đạt, Thanh Hương,Vân Dung, ca sĩ Phương Mỹ Chi… Đặc biệt gần đây là nghệ sĩ Quyền Linh, anh bị lên án gay gắt kiểu “hy vọng càng hung thất vọng càng nhiều”, “thương nhau lắm cắn nhau đau”… Còn nhớ năm 2021, Quyền Linh, nghệ sĩ “mang trong người nhiều thứ bệnh nhất” đã từng xin lỗi vì nói quá về công dụng sản phẩm mà mình quảng cáo: "Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật. Tôi xin lỗi khán giả về sự thiếu tiết chế của mình".
Nhưng rồi họ vẫn chứng nào tật nấy, bởi việc “quảng cáo sai sự thật” thuộc tóp “việc nhẹ lương cao” cực kỳ hấp dẫn.
Nếu như “nhẹ” hơn hàng giả là hàng chất lượng thấp, nếu như người sản xuất hàng giả là người có “đạo đức giả”… thì loại nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sản phẩm kiểu này cũng có thể được xem là người có “đạo đức chất lượng thấp”. Đã đến lúc họ không thể sử dụng “chiêu” nhận trách nhiệm, công khai xin lỗi, hứa rút kinh nghiệm, mong được khán giả tha thứ, hứa khắc phục suông mà nhất thiết nhà chức trách nên xem xét khởi tố và bắt tạm giam với các hành vi vi phạm quảng cáo sản phẩm sai sự thật để họ biết thức tỉnh, đồng thời răn đe người khác.
Trách nhiệm này thuộc về ai?
Việc sản xuất hàng giả đặc biệt là thực phẩm và thực phẩm chức năng đã xảy ra và tồn tại qua một thời gian dài. Thiệt hại đối với đất nước, nhân dân và đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp lên sức khỏe con người là hết sức nặng nề, khủng khiếp.
Cuộc đấu tranh phòng chống và nghiêm trị hàng giả, hàng gian cũng được thực hiện xuyên suốt. Mức phạt hiện nay cũng đã được nâng cao đáng kể, đặc biệt đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Vậy tại sao đường dây sản xuất sữa bột giả xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, cả hệ thống kiểm soát an toàn, chất lượng thực phẩm cũng không hề hay biết cho đến khi lực lượng công an vào cuộc?
Tại sao công ty, nhà máy sản xuất nằm giữa thanh thiên bạch nhật, việc mua bán diễn ra ì xèo trên mạng nhưng từ 2021 đến nay, đường dây sản xuất vẫn qua mắt được tất cả các cơ quan hữu quan, vẫn sống tốt, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng?

Hoàng Mạnh Hà (giữa ảnh) trong một clip quảng cáo của Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma. Ảnh chụp màn hình.
Nhiều nghệ sĩ, nhân vật giải trí Việt từng "úp mặt vào tay" xin lỗi công chúng vì quảng cáo sai sự thật, tại sao họ vẫn chứng nào tật nấy?
Đã đến lúc phải xem lại vai trò của các cơ quan chức năng, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường, cùng lực lượng chức năng tại cơ sở. Đã đến lúc cần xem việc sản xuất và phân phối một sản phẩm đặc thù như sữa là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Không chỉ để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà còn bảo vệ quyền lợi cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đặc biệt là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp.