Thống đốc NHNN: 'Không để dòng vốn hỗ trợ bị 'rò rỉ', đảm bảo đúng quy định, đúng đối tượng'
(DNTO) - "Khẩn trương triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% ngay từ hôm nay, ngân hàng nhà nước sẽ sử dụng các công cụ điều hành để đảm bảo xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ, hạn chế tối đa các sai phạm trong quá trình triển khai, quyết toán hỗ trợ lãi suất", ông Tú nhận định.
Thời gian qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, ngành ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, cũng như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ… trong hơn 2 năm qua bằng chính nguồn lực của mình nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế.
Đặc biệt, gói hỗ trợ lãi suất là một trong những nội dung thuộc các gói chính sách tài khóa tiền tệ thể hiện tại Nghị quyết số 43 của Quốc hội ban hành đầu năm 2022. Theo đó, Chính phủ hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Theo các chuyên gia nhìn nhận, chính sách hỗ trợ lãi suất 2% sẽ là "cú huých" tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, tận dụng thời cơ phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, góp phần kích thích cả cung và cầu, được kỳ vọng sẽ thẩm thấu vào doanh nghiệp, giúp nền kinh tế tăng tốc trong 2 năm tới.
"Với giả định lãi suất cho vay bình quân là 10% thì sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vay nợ được hỗ trợ lãi suất, chiếm tỷ trọng tương đương khoảng 9% dư nợ toàn hệ thống. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, gói hỗ trợ lãi suất trên sẽ có tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng", ông Nguyễn Duy Thành, Trưởng Phòng phân tích thuộc Công ty chứng khoán Pinetree tính toán.
Do đó, để đảm bảo độ "chín" của chính sách, ngân hàng thương mại đã tích cực, chủ động phối hợp, bàn bạc kỹ lưỡng với các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại thông qua rất nhiều cuộc họp cũng như lấy ý kiến bằng văn bản để xây dựng, hoàn thiện Nghị định và Thông tư hướng dẫn nhằm sớm đưa chính sách hỗ trợ vào thực tiễn.
Sau thời gian dài "nằm trên giấy", đáp ứng niềm mong mỏi, giải cơn "khát vốn" cho doanh nghiệp và người lao động trong bối cảnh phục hồi, hôm ngay, ngày 27/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chính thức triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03 ngân hàng nhà nước.
Phó Thống đốc Thường trực ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú, cho hay: "Đây là gói hỗ trợ chia làm 2 năm, dự kiến mỗi năm cấp bù lãi suất 20.000 tỷ đồng, tương đương quy mô dư nợ được hỗ trợ dự kiến khoảng 500.000 tỷ đồng/năm. Hiện lũy kế dư nợ cho vay của hệ thống là trên 10 triệu tỷ đồng, tức khoảng 5% dư nợ mới sẽ được hỗ trợ, đủ đạt tỷ lệ tích cực cho phép tạo nguồn tín dụng giá rẻ".
Lên phương án 'nắn' dòng vốn hiệu quả
Theo ông Tú, việc thực hiện chính sách cũng cần những giải pháp cụ thể để hạn chế những ảnh hưởng không mong muốn. Trong đó, một trong những tác động cần đề phòng là việc lãi suất cho vay thấp có thể làm gia tăng hành vi sử dụng vốn thiếu cẩn trọng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, việc thực thi chính sách cũng đòi hỏi sự kiểm soát, giám sát toàn bộ quá trình thực hiện hỗ trợ để ngăn chặn trục lợi chính sách, như cung cấp thông tin, hồ sơ không trung thực để thuộc đối tượng hưởng ưu đãi...
Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ phải xác định trước và đăng ký hạn mức hỗ trợ lãi suất trong 2 năm 2022-2023 theo tỉ trọng dư nợ cho vay và phải đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất chi tiết cho từng năm theo Nghị định số 31/2022.
Trường hợp tổng số tiền hỗ trợ lãi suất đăng ký của các ngân hàng thương mại trong 2 năm 2022 và 2023 nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỉ đồng, ngân hàng nhà nước sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký trước đó. Tuy nhiên, nếu tổng số tiền hỗ trợ lãi suất theo đăng ký của các ngân hàng lớn hơn 40.000 tỉ đồng, ngân hàng nhà nước sẽ xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng.
Dựa vào kết quả xác định hạn mức trong 2 năm kể trên, ngân hàng nhà nước xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2022 đối với từng ngân hàng bằng số tiền hỗ trợ lãi suất các nhà băng đã đăng ký trước đó. Hạn mức hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 sẽ là phần dư còn lại sau khi đã trừ hạn mức xác định năm 2022.
Đặc biệt, về phương thức hỗ trợ lãi suất, đến thời điểm trả nợ của từng kỳ hạn, ngân hàng thương mại lựa chọn thực hiện hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng theo một trong các phương thức sau:
Thứ nhất, giảm trừ trực tiếp số tiền lãi phải trả của khách hàng bằng với số tiền lãi được hỗ trợ lãi suất. Thứ hai, thực hiện thu của khách hàng toàn bộ lãi tiền vay trong kỳ và hoàn trả khách hàng số tiền lãi vay được hỗ trợ lãi suất trong cùng ngày thu lãi.