Hai gam màu sáng - tối trong bức tranh lợi nhuận ngân hàng
(DNTO) - Các chuyên gia nhìn nhận, năm 2022 ngành ngân hàng hoàn toàn lạc quan về tăng trưởng tín dụng khi có nhiều cơ hội tạo "chất xúc tác" cho sự bứt phá, tuy nhiên nhiều thách thức vẫn đang tiềm ẩn và có thể "phình đại" bất cứ lúc nào đe dọa sự tăng trưởng, khiến các nhà băng không khỏi "đau đầu".
Lợi nhuận ngân hàng dự báo tăng phi mã khoảng 20-25%
Theo kế hoạch kinh doanh sơ bộ, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2022 của các ngân hàng dự kiến tăng trưởng trên 30% so với năm 2021, tương đương với tốc độ tăng trưởng của năm 2021 so với năm 2020.
Đi sâu hơn, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng tiếp tục tăng trong quý II/2022 và cả năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng chiếm ưu thế nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng dự báo huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng sẽ tăng bình quân 3,6% trong quý II/2022 và tăng 11,4% trong năm 2022; dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022.
Nhận định tại Hội thảo công bố Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2021 và triển vọng 2022”, ngày 25/5, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, dự báo kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn trong năm 2022, tăng trưởng có thể đạt 5,5-6% (kịch bản cơ sở) và cao hơn trong năm 2023.
Trong bối cảnh đó, thị trường tài chính Việt Nam năm 2022 cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi này khi nhu cầu vay vốn tăng cao đã giúp tín dụng toàn hệ thống tăng mạnh ngay từ những tháng đầu năm. Điều này góp phần tạo nên sự bứt phá về lợi nhuận.
Cũng theo ông Lực, thị phần phát hành thẻ tín dụng của của nhiều ngân hàng đã tăng từ 6% năm 2020 lên 8% vào năm 2021. Theo đó, hoạt động kinh doanh thẻ sẽ trở thành mũi nhọn tăng trưởng của thu nhập phí của các nhà băng trong năm 2022.
Mặt khác, sau khi giảm mạnh vào quý 4/2021, các khoản nợ cơ cấu lại tiếp tục giảm từ mức 1,1 nghìn tỷ đồng (tương đương với 0,52% tổng sổ cho vay) xuống còn 840 tỷ đồng (tương đương 0,39% tổng sổ cho vay) trong quý 1/2022 khi có nhiều khách hàng trả được nợ.
"Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi, kỳ vọng rằng các khoản cho vay được cơ cấu lại sẽ giảm xuống dưới 0,1% tổng dư nợ cho vay trong năm nay, giúp ngân hàng không phải trích lập thêm dự phòng cho các khoản vay này", ông Lực nhìn nhận.
Nhìn vào các ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2022 tăng trưởng từ 30% trở lên, có thể thấy phần lớn là các ngân hàng cỡ vừa và nhỏ, VPBank là “ông lớn” duy nhất xuất hiện trong danh sách trên. Ở năm trước đó, đa số các ngân hàng vừa và nhỏ trên cũng đạt được tăng trưởng lợi nhuận rất cao. Điều này phần nào cho thấy sự trỗi dậy của các ngân hàng vừa và nhỏ trong cuộc đua lợi nhuận trong 2 năm gần đây.
"Lợi nhuận toàn ngành ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng bình quân khoảng 20-25% so với năm 2021 với tăng trưởng tín dụng dự kiến đạt mức 14-15%", ông Lực cho hay.
Liên hệ cụ thể, ông Lực thông tin, đến hết quý I, kết quả kinh doanh của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) rất khả quan. Các chỉ tiêu quan trọng đều tăng trưởng đáng kể, trong đó lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỉ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ 2021.
"Các chỉ tiêu quan trọng của BIDV tăng bằng lần so với cách đây 5 năm. Cụ thể tổng tài sản tăng trưởng ổn định qua các năm, đến cuối năm 2021 đạt 1,76 triệu tỉ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm cuối năm 2016. Mức tăng trưởng bình quân là 11,85%/năm, là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam...", ông Lực dẫn chứng.
Nợ xấu vẫn chưa phải là bài toán cũ
Tại Hội nghị, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết, rủi ro đang xuất hiện trên thị trường tài chính. Các khoản nợ xấu dự kiến sẽ tăng nhanh sau khi một số chính sách điều tiết hết hiệu lực vào cuối năm 2021. Các vụ gian lận gần đây trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy những khiếm khuyết trong quản trị doanh nghiệp và lỗ hổng pháp lý.
"Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi mạnh mẽ, tuy nhiên, bối cảnh kinh tế toàn cầu và địa chính trị nhiều rủi ro và phức tạp hơn, giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là giá dầu toàn cầu tăng cao, sự gián đoạn của chuỗi giá trị toàn cầu, sự thu hẹp nhanh các chính sách tài khóa, tiền tệ của các nền kinh tế tiên tiến đã làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến đà phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và rủi ro tài chính – tiền tệ gia tăng", ông Andrew Jeffries cho hay.
Cũng theo các chuyên gia, nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh trở lại. Nguyên nhân một phần do khách hàng vay vốn gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, đã được khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn nợ, nhưng hết thời gian được giãn nợ, gia hạn nợ mà vẫn chưa hết khó khăn, chưa có nguồn để trả nợ đúng hạn.
Hơn nữa, sau khi các ông chủ của hai tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn là FLC và Tân Hoàng Minh bị khởi tố, bắt tạm giam và đang bị điều tra, nợ xấu có nguy cơ gia tăng...
"Ví dụ, các khoản nợ nhà băng của FLC, Tân Hoàng Minh hiện có thể chưa phải là nợ xấu, thậm chí còn được đánh giá là tốt, nhưng sau khi 2 ông chủ bị bắt, các nhà băng cho vay đều tìm cách thu nợ càng sớm càng tốt, kể cả chấp nhận đòi trước hạn. Nếu các bên vay chưa thể xoay kịp để trả nợ, thì khoản nợ đó sẽ biến thành nợ xấu", TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và thị trường tài chính, tiền tệ có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, không tách rời nhau. Trong thời gian vừa qua, bất động sản được “thổi” lên quá cao, giá nhà đất cao phi thực tế. Một khi các vụ án bất động sản bị vỡ lở, giá nhà đất giảm liên tục như giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua khiến nợ xấu gia tăng là điều không thể tránh khỏi.
"Khi giá nhà đất “quay đầu”, nhà đầu tư “ôm” đất và các dự án bất động sản muốn cắt lỗ cũng không được, thì “đào” đâu ra tiền để trả nợ, nên nợ xấu tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại rất cao", TS. Vũ Đình Ánh nhận định.