Các ngân hàng trung ương cần làm việc với nhau về khả năng tương tác của tiền kỹ thuật số
(DNTO) - Các cơ quan quốc tế đang thúc giục các ngân hàng trung ương phải xem xét khả năng tiếp cận và tương tác trong quá trình thiết kế tiền tệ kỹ thuật số để tránh những vấn đề không hay xảy ra.
Vào ngày 11/7, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới đã phát hành một báo cáo đưa ra 3 lựa chọn cho các ngân hàng trung ương hợp tác với nhau trong quá trình thiết kế tiền tệ kỹ thuật số, báo cáo xem xét về khả năng tiếp cận thanh toán biên giới nhằm giải quyết các vấn đề như tốc độ chậm, chi phí cao, khả năng tiếp cận hạn chế và thiếu minh bạch.
Về khái niệm, tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDC) không quá khác biệt so với tiền tệ truyền thống do ngân hàng trung ương phát hành. Người ta định nghĩa CBDC là một phiên bản kỹ thuật số của tiền tệ pháp định (fiat), đầu tiên nó được phát hành bởi các ngân hàng trung ương; thứ hai, nó có các tiện ích của tài sản kỹ thuật số như người dùng sẽ có một ví tiền kỹ thuật số, có thể truy cập thông qua điện thoại di động, từ đó, họ có thể kiểm tra số dư, nhận tiền do chính phủ cấp như tờ khai thuế và chuyển tiền.
Theo bản báo cáo, hầu hết các CBDC đều tập trung vào các mục tiêu chính sách trong nước. Ba cách tiếp cận để các ngân hàng trung ương làm việc cùng nhau về khả năng thanh toán xuyên biên giới đã được kiểm tra kỹ lưỡng. Đầu tiên là về khả năng tương thích hay áp dụng các tiêu chuẩn chung sẽ giúp các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán hoạt động trên các hệ thống dễ dàng hơn. Khi các CBDC liên kết với nhau sẽ cho phép những người dùng trong hệ thống thiết lập các hợp đồng hay giao dịch giữa các hệ thống. Ngoài ra, liên kết với nhau có thể đạt được thông qua việc sử dụng một cơ sở hạ tầng kỹ thuật chung duy nhất.
Các cơ quan quốc tế kêu gọi sự hợp tác về thiết kế tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) là cần thiết và cơ hội cần nắm bắt nhanh. Khi phối hợp với nhau, các CBDC sẽ tránh được nhiều cạm bẫy liên quan đến các tội phạm quốc tế hay phòng chống rửa tiền.
Hiện nay, các quốc gia Đông Nam Á đang tìm cách phát hành CBDC của riêng mình trước khi đồng nhân dân tệ kỹ thuật số bắt đầu tràn vào khu vực khi các ứng dụng thanh toán của Trung Quốc thâm nhập ngày càng mạnh. Với Việt Nam, Chính phủ đang giao Ngân hàng Nhà nước lập ban nghiên cứu tiền kỹ thuật số, do Thống đốc làm trưởng ban.