Thế giới thấp thỏm mối lo về nguy cơ khủng hoảng tài chính
(DNTO) - Sau sự kiện nhiều ngân hàng gặp sự cố phải phá sản, mối lo về một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu được dấy lên như một lời cảnh tỉnh cho nhiều quốc gia.
Không thể chủ quan
Reuters dẫn lời Giám đốc điều hành của ANZ, ông Shayne Elliott, dự báo, việc một vài ngân hàng gặp rắc rối trong thời gian gần đây có thể là manh mối cho một cuộc khủng hoảng tài chính thời gian tới. Theo ông, có thể còn quá sớm để mọi người tin vào dự báo này, tuy nhiên đây là vấn đề cần đặc biệt được lưu ý.
Ba ngân hàng của Mỹ, Silicon Valley Bank (SVB), Signature Bank và Silvergate Bank, bị phá sản trong một tuần, tiếp đến là sự sụp đổ của một ngân hàng tại Thụy Sĩ, Credit Suisse; cổ phiếu của ngân hàng Đức, Deutsche Bank, bị bán tháo diện rộng, kéo theo đà giảm giá cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng lớn ở châu Âu vào cuối tuần trước. Ngành ngân hàng trở thành mối bận tâm của hệ thống tài chính thế giới.
"Sau khi tất cả những điều trên xảy ra, rõ ràng mọi chuyện vẫn chưa kết thúc. Tôi không nghĩ chúng ta có thể ngồi yên tâm và nói: Chà, thế là xong, mọi việc đã qua", vị CEO của ANZ cho biết.
Cách đây ít ngày, Giám đốc điều hành của quỹ phòng hộ Man Group (EMG), ông Luke Ellis, nói tại một hội nghị của Bloomberg ở London: "Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ có nhiều ngân hàng chỉ có thể hoạt động trong vòng 12-24 tháng tới".
Đối tượng Luke Ellis nhắm tới là các ngân hàng khu vực, ngân hàng nhỏ ở Mỹ hay một vài ngân hàng tại Anh, vốn đang có vấn đề.
Thực tế, sự sụp đổ nhanh và bất ngờ của nhiều ngân hàng trong thời gian ngắn vừa qua đã dấy lên lo lắng về tính ổn định của hệ thống ngân hàng thế giới, và điều này có thể manh nha dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, khi mà lãi suất chưa có dấu hiệu dừng lại, cùng đó là áp lực lạm phát hay sự tăng trưởng chậm lại của nhiều nền kinh tế.
Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã cùng với các ngân hàng trung ương của Canada, Anh, Nhật Bản, châu Âu, Thụy Sĩ đã phải nhanh chóng thông qua thỏa thuận hoán đổi USD, đồng ý tăng tần suất cung cấp USD từ theo tuần sang theo ngày nhằm làm dịu căng thẳng thanh khoản, một biện pháp tích cực để đối phó với tình trạng khẩn cấp hiện nay.
Lãi suất không thể dừng?
FED, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Anh (BoE) đều tăng lãi suất như dự kiến trong cuộc họp chính sách tháng ba và mỗi ngân hàng đều đưa ra tín hiệu thận trọng đợt điều chỉnh tiếp theo. Thống đốc Ngân hàng trung ương Thụy Điển, Riksbank Erik Thedeen cho biết hôm Chủ nhật, ông đã đánh giá thấp áp lực lạm phát, tuy nhiên vẫn khó tránh dự báo về một đợt tăng lãi suất khác vào tháng 4 này.
Điều này cho thấy, các chính phủ vẫn gặp khó khăn trong nỗ lực đưa lạm phát trở lại tầm kiểm soát khiến câu chuyện về lãi suất vẫn là một bài toán khó. Rủi ro cho hệ thống ngân hàng vẫn chưa thể có hồi kết.
Theo các chuyên gia đánh giá, các ngân hàng trung ương tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát, các điều kiện tài chính thắt chặt càng lâu thì nguy cơ căng thẳng sẽ không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng mà còn lan rộng ra ngoài lĩnh vực khác, gây ra thiệt hại kinh tế và tài chính càng lớn.
Hôm Chủ nhật, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, IMF, Kristalina Georgieva, cũng cho biết rủi ro đối với sự ổn định tài chính đã tăng lên và kêu gọi tiếp tục cảnh giác mặc dù các nền kinh tế đã tích cực đã làm dịu căng thẳng thị trường. Bà cũng nhắc lại quan điểm, năm 2023 sẽ là một năm đầy thách thức, dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm lại dưới 3% do hậu quả của đại dịch, chiến tranh ở Ukraine và thắt chặt tiền tệ.
Theo Reuters