Đã đến lúc Fed tuyên bố chiến thắng với lạm phát tại Mỹ?
(DNTO) - Mức đi xuống của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giúp Fed tiến gần hơn đến chiến thắng chống lạm phát tại Mỹ. Trong khi giới đầu tư chứng khoán mong đợi Fed sẽ sớm ngưng tăng lãi suất cho vay, nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để hy vọng.
Trong báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, được tung ra vào thứ Năm, 12/1 (giờ Mỹ), lạm phát tại nước này đã lùi bước trong tháng cuối cùng của năm 2022. Chỉ số giá tiêu dùng, mức đo lạm phát, đã đạt mức thuyên giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020.
Giới đầu tư chứng khoán ăn mừng với tin này, mong rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm ngưng tăng lãi suất. Nhưng liệu thời điểm đã chín mùi?
Bản báo cáo đáng ăn mừng
Theo thông số được đưa ra, chỉ số giá tiêu dùng chung đã giảm 0,1% trong tháng 12/2022, với giá năng lượng rẻ hơn thúc đẩy mức đi xuống đầu tiên trong vòng 2.5 năm qua.
Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng thì chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI) tăng 0,3% trong tháng trước và ở mức 5,7%, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái - đây là mức tăng chậm nhất tính từ tháng 12/2021.
CPI vốn được các nhà phân tích kinh tế xem là thang bậc đo xu hướng của lạm phát tại Mỹ.
Báo cáo tháng 11/2022 cũng đã cho thấy mức lạm phát tăng thấp hơn dự đoán. Kèm với báo cáo của tháng 12/2022 vừa qua, ta đã có thể thấy dấu hiệu lạm phát tại Mỹ đang bắt đầu bị “bẻ gãy”. Đây là một tin vô cùng đáng mừng cho giới đầu tư, hiện đang trông chờ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ngừng tăng lãi suất cho vay lên cao, gây quá nhiều áp lực lên thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế của cường quốc này.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, ăn mừng: “Không có điều gì có thể chê được từ bản báo cáo này. Lạm phát chỉ có thể đi xuống trong thời gian tới”. Ông cho rằng cuộc tăng lãi suất cho vay của Fed nên sớm kết thúc.
Dean Baker, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách còn phấn khởi hơn nữa. Trong một bài đăng trên Twitter, ông nhấn mạnh rằng: “Đã đến lúc để Fed tuyên bố chiến thắng (với lạm phát) và ngưng tăng lãi suất!”.
Ông Baker đưa dẫn chứng số liệu lạm phát thuyên giảm 3 tháng liên tiếp là bằng chứng lạm phát đang thoái lui.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đã nhanh chóng phản ứng. Trong phiên giao dịch cùng ngày, tất cả chỉ số chứng khoán chủ đạo đều đã tiếp tục tăng. S&P 500 lên 0,3%, Dow Jones Industrial Average tăng 0,6% và Nasdaq Composite leo 0,6%.
Fed vẫn rất cương quyết
Nhưng nếu ta nhìn vào thái độ vô cùng cứng rắn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong việc tăng lãi suất kể từ tháng 3/2022, và sự cẩn trọng của cách mà họ phân tích dữ liệu riêng lẻ so với xu hướng chung - thì việc Fed tuyên bố chiến thắng là rất khó.
Dù chỉ số lạm phát có vẻ yếu dần, nhưng mức lạm phát vẫn còn rất cao. Chỉ số giá tiêu dùng cho tất cả mặt hàng tại Mỹ hiện đang ở mức 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này tăng 0,3% trong tháng và 5,7% cho cả năm 2022, vẫn còn quá cao so với định mức 2% mà Fed xem là chấp nhận được.
Trong những lời bình gần đây, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, và các quan chức đồng nghiệp đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững mức lãi suất cao.
Fed cho rằng có quá nhiều hiểm hoạ cho việc ngưng tăng lãi suất quá sớm hơn là tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát của họ, dù rằng việc này có thể kìm hãm hoàn toàn sự suy thoái nền kinh tế Mỹ.
Thời điểm đã chín mùi?
Điều mà Fed đang có trong tay là một thị trường việc làm rất vững vàng, mặc cho lãi suất cho vay tăng cao. Đây vừa là một điều tốt, vừa là một điều xấu, vì tiền trả công cho người lao động tăng cao sẽ có thể đẩy lạm phát lên cao hơn nữa.
“Nếu họ có thể lèo lái một mức giảm cho lạm phát mà không đè nát thị trường việc làm, đó là điều kiện hoàn hảo (Goldilocks) cho một cuộc hạ cánh mềm”, theo Randy Frederick, Giám đốc điều hành giao dịch của Charles Schwab. “Đó là viễn cảnh mà chúng ta có thể thấy với dữ liệu tuần trước và thông tin lạm phát hôm nay”.
Tuần trước, dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy số lượng tuyển dụng phi nông nghiệp đã có một mức tăng mạnh mẽ với 223.000 việc làm, trong khi mức thu nhập hàng giờ giảm 4,7%.
Ông Frederick nghĩ rằng trong cuộc họp sắp tới, 31/1, của Fed, họ sẽ ghi nhận các dữ liệu này nhưng không thay đổi đường lối ngay lập tức.
Thị trường chứng khoán có vẻ như rất tin tưởng vào việc Fed sẽ giảm mức tăng lãi suất. Giới đầu tư cũng như chuyên gia phân tích mong đợi chỉ có một mức tăng 0,25% tính từ tháng 2, theo dữ liệu của CME Group.
Theo dự đoán đó, tháng 3 sẽ lại có một đợt tăng 0,25% và Hội đồng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm 0,5% trước khi năm 2023 kết thúc.
Giám đốc Fed thuộc chi nhánh Philadelphia, Patrick Harker, đã cho biết ông sẵn sàng ủng hộ việc giảm mức tăng xuống còn chỉ 0,25% thay vì ngưng hoàn toàn. Trong khi các nhà hoạch định chính sách khác nhấn mạnh lãi suất cho vay sẽ không thể giảm trong 2023.
Dù giới đầu tư ăn mừng, Fed sẽ không vội tham gia.
“Tôi không nghĩ đã đến lúc họ tuyên bố chiến thắng”- Simona Mocuta, nhà kinh tế trưởng tại State Street Global Advisors, nhận định.
Theo Mocuta, các quan chức Fed có thể công nhận các dữ liệu đang có chiều hướng khả quan hơn, thậm chí có thể tăng lãi suất ít hơn, nhưng sẽ không thay đổi giọng điệu. “Họ đang theo đuổi thái độ ‘thà cẩn thận bây giờ còn hơn là hối hận nay mai’”.