Fed cương quyết theo đuổi việc tăng lãi suất, mặc bất ổn ngân hàng
(DNTO) - Hai tuần sau cuộc sụp đổ lớn thứ hai trong lịch sử ngành Ngân hàng Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cương quyết theo đuổi đường lối tăng lãi suất để chống lạm phát.
Thứ Tư, 23/3, Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông qua quyết định tiếp tục tăng một phần tư điểm phần trăm lãi suất, nhưng cũng cho biết chiến dịch chống lạm phát của họ có thể sớm kết thúc hơn dự đoán của hai tuần trước.
Đợt tăng này sẽ là lần thứ 9 liên tiếp Fed tăng lãi suất để khống chế lạm phát trong năm qua. Lãi suất cho vay liên bang nay đạt mức giữa 4,75% và 5%, và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2007.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho biết, các quan chức đã cân nhắc việc hoãn tăng lãi suất giữa bối cảnh một cuộc khủng hoảng ngân hàng đang lan rộng trong những ngày qua.
Powell “bóng gió” đây có thể là lần tăng cuối cùng tùy theo mức độ thuyên giảm của vay mượn ngân hàng.
Trước đó, chính quyền Mỹ đã phải cho Ngân hàng SVB ngừng hoạt động giữa đợt rút tiền tháo loạn hai tuần trước, và nối đuôi theo đó là Ngân hàng Signature, cũng cần “giải cứu”.
Để ngăn chặn lan rộng cuộc khủng hoảng ngân hàng, Fed đã phải mở nguồn vay khẩn cấp để hỗ trợ những người ký gửi không có bảo hiểm.
Sau cuộc họp hôm thứ Tư, Chủ tịch Jerome Powell nói: “Tất cả các khoản tiền ký gửi đều an toàn”. Nhưng cùng lúc, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, trả lời trước quốc hội Mỹ, lại nói rằng các cơ quan quản lý sẽ không đảm bảo an toàn “rộng khắp” cho tất cả mọi loại tiền ký gửi.
Lời bình trái chiều trên khiến thị trường cổ phiếu lên rồi lại xuống chóng vánh vào cuối ngày giao dịch. S&P 500 mất 65.90 điểm, tương đương 1,6%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, kỳ hạn 10 năm, xuống 0,106 điểm phần trăm, dừng ở mức 3,497%.
Tất cả thành viên Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Fed đều đồng ý với mức tăng lãi suất. Kế hoạch mới vẫn cho thấy lãi suất sẽ lên mức 5,1%, giữ vững đà tăng như đã thông qua hồi cuối năm ngoái. Nhưng Chủ tịch Jerome Powell cho biết ông và các quan chức khác cũng muốn ám chỉ tương lai bất định cho lãi suất.
Marc Sumerlin, cựu cố vấn kinh tế của Tổng thống George W. Bush, cho biết Chủ tịch Powell ám chỉ “khả năng đây là lần tăng lãi suất cuối cùng”.
Các quan chức Fed đã từng thú nhận sẽ có nhiều hiểm họa khi họ phải cân bằng cuộc chiến chống lạm phát và các vấn đề bất ổn tài chính.
Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua cho thấy tác động phụ của mức lãi suất tăng cao đến nền kinh tế Mỹ, và là một “cảnh tỉnh” cho những hiểm họa đó.
Trước khi SVB sụp đổ, Chủ tịch Powell từng cho biết các quan chức còn tranh cãi việc tăng lãi suất lên 0,5%, sau khi có báo cáo về lạm phát còn mạnh và thị trường tuyển dụng vẫn “nóng”. Nhưng cuộc rút tiền tháo loạn trị giá 200 tỷ đô la của SVB đã thay đổi suy nghĩ của Fed.
Nay, mức vay mượn chắc chắn sẽ thuyên giảm, khi các ngân hàng đang phải đối mặt với sự giám sát gay gắt từ các nhà làm luật cũng như quản lý nội bộ để tránh nạp thêm hiểm họa.
Thế nhưng, đó là cái giá mà Fed sẵn sàng trả để tiếp tục theo đuổi việc tăng lãi suất.
Chủ tịch Jerome Powell phát biểu trong cuộc họp báo ngày thứ Tư: “Chúng tôi đang xem xét những gì đang xảy ra trong ngành ngân hàng và đặt câu hỏi, liệu điều kiện tín dụng có bị thắt chặt không”.
Ông mong rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng này có thể phần nào ảnh hưởng đến lạm phát.
Có vẻ như Chủ tịch Jerome Powell và các quan chức Fed không muốn lặp lại lịch sử của những năm 1987, khi Fed dưới quyền Chủ tịch Alan Greenspan. Vào lúc đó, Fed đã “nhát tay” trong việc tăng lãi suất, khiến lạm phát mất kiểm soát, dẫn đến lãi suất cần phải tăng thêm nữa và khủng hoảng kinh tế 1990-1991 diễn ra.