'Phép màu' từ nhân sự: Cách các công ty tại Slicon Valley ‘trở mình’ trong suy thoái
(DNTO) - Bồi cho nhân sự nhiều kĩ năng là cách nhiều startup cho đến doanh nghiệp lớn tại Thung lũng Slicon (Mỹ) vẫn đang áp dụng để vượt qua các cuộc khủng hoảng.
Phép màu từ nhân sự
Lyft, công ty vận tải nhỏ tại Thung lũng Silicon (Mỹ), là đối thủ của gã khổng lồ Uber. Thách thức của công ty là liên tục phải tuyển mới nhân sự hàng tháng, nhưng không biết làm thế nào để đào tạo hiệu quả.
Lyft phải tìm đến một công ty đào tạo nhân sự để xây dựng và tập huấn kĩ năng cần thiết cho doanh nghiệp. Giờ đây, Lyft có thể mở rộng quy mô đào tạo nhân sự mới hiệu quả, có khả năng tuyển dụng nhân sự theo cấp số nhân.
“Các công ty có xu hướng quên đi việc cung cấp các gói đào tạo cho nhân viên để giữ họ luôn vui vẻ và hứng thú tham gia.Giáo dục liên tục và đào tạo nghề dài hạn là cách tuyệt vời để giữ chân nhân sự và nó luôn phải nằm trong tư tưởng của các quản lý cũng như nhân viên”, Lisa - Maree Wallace, Trưởng phòng Điều hành Nhân sự của Lyft, cho biết.
Tương tự, Booz Allen, một công ty tư vấn đang phải cạnh tranh với nhiều “ông lớn” như McKinsey hay Deloitte, có bài toán là làm sao nâng cao năng lực cho hàng nghìn nhà khoa học dữ liệu của mình, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thay vì thuê thêm nhiều nhân sự mới.
Công ty cũng tìm tới đơn vị đào tạo từ bên ngoài để hỗ trợ cho việc này. Kết quả, 93,5% nhân lực hoàn thành khóa học khoa học dữ liệu. Họ tiết kiệm chi phí rất lớn so với việc việc tuyển nhân sự mới.
Eventbrite, công ty quản lý sự kiện, từng lao đao trong thời điểm dịch Covid-19. Nhưng hiện doanh thu công ty tăng tới 187% so với thời điểm trước dịch. Phép màu của Eventbrite đến từ việc nâng cao kĩ năng của nhân sự (phát triển web, ngôn ngữ lập trình, phát triển công cụ, dịch vụ đám mây, quản lý dự án…). Điều này giúp công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh từ offline sang online, không chỉ sống sót sau mùa dịch mà còn giúp hoạt động công ty bứt phá.
Quên gì cũng được, đừng quên xây dựng văn hóa học tập
Các nghiên cứu cho thấy, một doanh nghiệp chú trọng đào tạo cũng như tạo ra một nền văn hóa học tập trong tổ chức sẽ có thể vượt mức mục tiêu tài chính hơn 2,6 lần. Thực tế, doanh nghiệp sẽ tốn kém chi phí khoảng từ 1,5 - 2 lần lương nhân viên nếu nhân viên cũ ra đi và doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân sự mới.
Đa phần các doanh nghiệp đều hiểu tầm quan trọng của việc nâng cao kĩ năng cho nhân sự, nhưng đôi khi do áp lực “cơm áo, gạo tiền”, các doanh nghiệp thường ưu tiên cho những mục đích trước mắt như bán hàng, tìm đối tác… mà xao nhãng việc đào tạo nhân sự. Nhưng họ lại quên rằng chính việc đào tạo nhân sự sẽ giúp công ty bán hàng tốt hơn, doanh thu cao hơn và đặc biệt gắn bó với tổ chức tốt hơn.
“Văn hóa gắn kết trong doanh nghiệp là một thứ rất có giá trị và đối thủ không thể sao chép. Đó cũng chính là lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Greg Brown CEO Udemy, nền tảng đào tạo cho hơn 14.000 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu, cho biết.
Thậm chí, theo ông Greg Brown, nhiều doanh nghiệp dù đã rất chú trọng để xây dựng hệ thống đào tạo doanh nghiệp, nhưng chưa biết cách thiết kế chương trình đào tạo phù hợp, cũng “đổ sông, đổ bể”.
Đơn cử như tại Panasonic, mặc dù đã đầu tư rất nhiều tiền cho hệ thống đào tạo doanh nghiệp, nhưng họ lại gặp khó khăn làm sao giúp 6.000 nhân sự hứng thú với việc học tập. Công ty đã phải nhờ tới Udemy Business để xây dựng chương trình đào tạo doanh nghiệp.
Khi vào cuộc, Udemy nhận thấy mong muốn của các nhân sự Panasonic là có chương trình đào tạo được “may đo” cho riêng mình, thay vì chương trình chung dành cho tất cả mọi người. Udemy đã thiết kế những chương trình đào tạo riêng cho các cá nhân của Panasonic với nhiều nội dung như Tiếng Anh, ngôn ngữ lập trình Python, AI, kĩ năng giao tiếp…
“Các cá nhân vì thế cũng có động lực học mà tổ chức không phải thúc đẩy liên tục hay bắt buộc họ học”, CEO Udemy cho biết.
Cũng theo vị CEO này, ngoài sự suy thoái thì các doanh nghiệp phải đối diện với công nghệ thay đổi từng ngày. Báo cáo về nhân sự toàn cầu của nhà phân tích nổi tiếng Josh Bersin nhận định, năm 2023 sẽ là một năm chuyển đổi mạnh mẽ về nhân sự. Tính di động của công việc sẽ ở mức cao nhất mọi thời đại. Vì vậy các chương trình học tập phải được cá nhân hóa cho từng nhân viên, từ những kĩ năng họ cần, đến thời gian, không gian học tập.