Nền kinh tế Mỹ vẫn còn xa suy thoái
(DNTO) - Ảnh hưởng “hậu Covid-19” tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Mỹ giữ sức bền bỉ, mặc cho lãi suất tăng cao.
Một năm đã qua sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chiến dịch tăng lãi suất cho vay để kiềm chế lạm phát. Fed đã mong muốn các chính sách của họ sẽ làm chậm sức phát triển của nền kinh tế, tạo ra một cuộc suy thoái nhẹ, nhưng vào lúc này, các thang đo kinh tế vẫn chưa cho thấy điều đó diễn ra.
Ngược lại, ảnh hưởng “hậu Covid-19” vẫn còn, khiến người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp tuyển dụng rượt đuổi đà tăng trưởng gần như tự cung tự cấp.
Người dân Mỹ đang tung tiền chi tiêu cho những thứ họ phải hoãn lại trong những ngày giãn cách xã hội, trong đó bao gồm du lịch, sự kiện vui chơi và ăn uống bên ngoài. Các doanh nghiệp phải tăng số lượng tuyển dụng để thỏa mãn nhu cầu.
Hơn thế nữa, các chính sách do chính phủ Mỹ tung ra để đối phó với đại dịch đã để lại cho người tiêu dùng và doanh nghiệp rất nhiều tiền mặt và các khoản vay nợ lãi suất thấp. Nạn lạm phát mà Fed đã vô cùng lo ngại đang chuyển thành hiện tượng lương bổng và lợi nhuận tăng cao, tiếp tục thúc đẩy chi tiêu.
Theo báo cáo của Bộ Lao động vào thứ Sáu tuần trước, số lượng tuyển dụng tiếp tục tăng trong tháng 5, thêm vào 339 ngàn việc làm, đổ thêm tiền vào hầu bao người tiêu dùng.
“Tôi không nghĩ chúng ta có cơ hội nào để đi vào suy thoái kinh tế”, theo lời Giáo sư Justin Wolfers, thuộc Khoa Chính sách công và Kinh tế, Đại học Michigan.
Wolfers thuộc về Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia, nhóm nghiên cứu phân tích một loạt dữ liệu để xác định xem nền kinh tế Mỹ có đang trong thời kỳ suy thoái hay không. Ông cho biết hầu hết các chỉ số đều có vẻ ổn định.
Tôi đã không nghĩ rằng thị trường lao động có thể bền bỉ như vậy trong thời gian dài.
Carl Tannenbaum, chuyên gia kinh tế của Northern Trust
Có nhiều dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm ở Mỹ vẫn đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch. Tháng 5 vừa qua đã có tuyển dụng từ các ngành y tế, giải trí và khách sạn - vốn mất rất nhiều việc làm trong thời kỳ đại dịch. Các ngành giải trí, khách sạn vẫn chưa quay trở lại số lượng việc làm trước đại dịch, tiếp tục trong tình trạng thiếu lao động.
Trên toàn nền kinh tế Mỹ, nhu cầu tuyển dụng tăng lên 10,1 triệu trong tháng 5, nhưng chỉ có 5,7 triệu người thất nghiệp tại nước này. Sự chênh lệch này dẫn đến lương bổng tăng cao.
Carl Tannenbaum, chuyên gia kinh tế của Northern Trust cho biết: “Tôi không nghĩ rằng thị trường lao động có thể bền bỉ như vậy trong thời gian dài”.
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ đang có hơn 500 tỷ đô la dự trữ sau đại dịch. Điều này cho phép họ tung tiền cho các chuyến du lịch mùa hè, vé các sự kiện hòa nhạc và chuyến tàu du lịch, mặc cho giá cả leo thang.
Giám đốc Điều hành của hãng hàng không Southwest Airlines, Bob Jordan, cho biết hãng này đang nhận thấy nhu cầu tăng mạnh mẽ trong vòng 2-3 tháng vừa qua. Hãng American Airlines đã tăng mức doanh thu dự đoán trong quý hai, cũng với lý do nhu cầu tăng cao.
Brett Keller, CEO của trang web du lịch Priceline, nói ông vô cùng ngạc nhiên với sức tăng mạnh mẽ của nhu cầu du lịch, với việc người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều hơn để mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn.
Keller chỉ ra ví dụ trong mùa hè này, với giá vé khứ hồi từ phía Đông nước Mỹ đến Boise, Idaho, có mức giá vượt quá 1.000 đô la, gần gấp đôi giá 500 đô la một vài năm trước.
Ngay cả thị trường bất động sản, vốn đã gặp nhiều rắc rối trong 2022, nay có vẻ như đang hồi phục. Doanh số nhà đất đã leo thang từ tháng 1/2023.
Các nhà thầu xây dựng đang cảm thấy rất tự tin với tình trạng trong ngành, bởi việc thiếu hụt nhà xây sẵn khiến tăng nhu cầu xây dựng. Các hãng xây dựng căn hộ gia đình cũng như công nghiệp đã thêm 25.000 tuyển dụng trong tháng 5, cao hơn nhiều so với mức trung bình 17.000 của 12 tháng trước đó.
Những dấu hiệu trên đã phức tạp hóa cuộc chiến chống lạm phát của Fed. Từ hồi tháng 3/2022, Fed đã liên tiếp tăng mức lãi suất cho vay tiêu chuẩn từ gần zero lên đến 5%-5,25%, một con số cao kỷ lục trong vòng 16 năm qua. Cuộc khủng hoảng ngân hàng vừa qua đã khiến Fed xem xét việc ngừng tăng lãi suất.
Tuy vậy, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy biện pháp tăng lãi suất của Fed thật sự có ảnh hưởng.
Mức lãi suất cho vay tăng cao thường ảnh hưởng nhanh chóng đến các ngành nhạy cảm như thị trường tài chính, cổ phiếu và nhà đất. S&P500 đã rớt 25% tính từ tháng 12/2021 cho đến 10/2022.
Một số ảnh hưởng của lãi suất tăng cao đã xuất hiện. Các doanh nghiệp đã bắt đầu giảm đầu tư trong quý 1 của 2023, cắt giảm chi tiêu mua sắm thiết bị. Ngành công nghệ đã trải qua một cuộc cắt giảm nhân sự dàn trải toàn ngành, cắt 9.000 vị trí chỉ trong tháng 5.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng ảnh hưởng của lãi suất tăng cao vẫn chưa hoàn toàn xảy ra. Các chuyên gia được khảo sát bởi tờ Wall Street Journal hồi tháng 4 cho rằng tỷ lệ suy thoái kinh tế có thể xảy ra trong 12 tháng tới là vào khoảng 50%. Nhưng vào tháng 10/2022, họ cũng đã đưa ra nhận định tương tự, từ đó cho đến nay, suy thoái kinh tế Mỹ không mấy đến gần.