Quan chức Fed xem xét việc hoãn tăng lãi suất trong tháng 6
(DNTO) - Giữa lúc môi trường kinh tế đang trở nên khả quan, một quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra dấu hiệu họ có thể hoãn tăng lãi suất cho vay trong tháng 6.
Neel Kashkari, Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khu vực Minneapolis, nói ông có thể sẽ ủng hộ việc hoãn tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới, để tạo điều kiện cho các quan chức xem xét ảnh hưởng của các mức tăng trước đó đến việc lạm phát.
“Tôi sẵn sàng ủng hộ việc dịch chuyển mức lãi suất hơn một chút kể từ bây giờ,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu, 19/5.
Trong chiến dịch chống lạm phát tại Mỹ, Fed đã tiến hành một đợt tăng lãi suất ào ạt, với mức tăng gần đây nhất vào tháng 4 đưa lên mức giữa 5% và 5,25%, một mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm qua.
Trước đại dịch Covid, Kashkari là một trong những thành viên Hội đồng Fed giữ thái độ “bồ câu” nhất, muốn đi theo chiều hướng chính sách nhẹ nhàng hơn. Nhưng từ hồi năm ngoái, 2022, ông đã thay đổi giọng điệu và tham gia vào phe “diều hâu”, ủng hộ giữ chính sách tiền tệ “thắt lưng buộc bụng”.
Tuy vậy, các quan chức Fed đã cho biết quyết định tăng lãi suất của tháng 4 là một quyết định với nhiều tranh cãi. Một số quan chức cho rằng mức lạm phát và hoạt động kinh tế chưa đủ chậm để hãm mức tăng lãi suất. Nhưng cũng đã có một nhóm quan chức, trong đó có Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đưa ra ý định hoãn một lần tăng lãi suất để nghiên cứu tình trạng kinh tế kỹ càng hơn, nhất là để xem xét tác dụng trễ của các đợt tăng lãi suất trước đó.
Kashkari phủ nhận việc Fed sẽ ngưng hoàn toàn việc tăng lãi suất, ông chỉ cho rằng có lý do chính đáng để tạm ngưng. “Trong tâm trí tôi, việc hoãn mức tăng để thu thập thêm thông tin rất khác so với việc ngưng hoàn toàn”.
Theo Kashkari, cần có thời gian để tìm hiểu hiệu ứng trễ của các đợt tăng lãi suất trước đó và vấn đề tín dụng đang diễn ra do đợt khủng hoảng ngân hàng từ tháng 3. Hơn thế nữa, tuy lạm phát vẫn chưa đi xuống, nó đang có dấu hiệu dần nguội lạnh, hay theo lời ông, “Ít ra thì nó cũng không trở nên tệ hơn”.
Kashkari cho biết ông vẫn chưa thấy tình trạng tín dụng bị bó hẹp trong khu vực mà ông quản lý, bao gồm Montana, North Dakota, South Dakota, Minnesota, một phần của Wisconsin và Michigan.
Nhưng ở mặt khác, là một quan chức từng trải qua cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Neel Kashkari vẫn ái ngại: “Sức ép khủng hoảng ngân hàng có thể chưa kết thúc. Và có thể là khi hậu quả thật sự của khủng hoảng ngân hàng xuất hiện, nó sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế”.
Nếu lạm phát tiếp tục kéo dài, nó sẽ buộc Fed phải giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn nữa hoặc tiếp tục tăng lãi suất, và sẽ khiến sức ép lên ngành tài chính ngân hàng “trở nên nghiêm trọng hơn,” Kashkari nói.