‘Hậu Parkson’, những gã khổng lồ bán lẻ tiếp tục bành trướng
(DNTO) - Parkson rời Việt Nam sau 18 năm không đồng nghĩa với việc thị trường bán lẻ Việt Nam kém hấp dẫn. Những kẻ ở lại đang tiếp tục thực hiện tham vọng bành trướng bằng những kế hoạch mở rộng các đại siêu thị, trung tâm mua sắm mới.
Cuộc chiến kẻ còn, người mất
Mới đây, thông tin Parkson Việt Nam lần lượt đóng các trung tâm thương mại và rút khỏi Việt Nam sau 18 năm hoạt động, đã cho thấy việc cạnh tranh trong thị trường bán lẻ thực sự khốc liệt.
Trước Parkson, nhiều đại gia bán lẻ nước ngoài như Auchan (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Emart (Hàn Quốc)… cũng rầm rộ tiến vào thị trường Việt Nam nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cũng ngậm ngùi ra đi.
Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Thương mại điện tử Nielsen IQ cho biết các nhà bán lẻ hiện nay phải liên tục thực hiện các khảo sát để nắm tâm lý người dùng. Đặc biệt, khi người dùng tăng cường mua hàng trực tuyến, các nhà bán lẻ cũng bước vào cuộc đua mới mang tên bán hàng online, không khác gì thương mại điện tử.
Khảo sát của đơn vị này cũng ghi nhận hầu hết các nhà bán lẻ như Aeon, BigC (Go! Top Market), Lotte Mart, Winmart, Co.opmart, Bách Hóa Xanh, Emart… đều có cửa hàng trực tuyến, app và dịch vụ giao hàng tận nơi. Các nhà bán lẻ đã rất linh hoạt trong việc đa dạng phương thức thanh toán ngoài tiền mặt, như chuyển khoản ngân hàng, QR Pay hay qua các ví điện tử…
Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết trong quý đầu năm, một số trung tâm thương mại đã cải tạo, nâng cấp, chủ động làm mới mình trước sức ép của thị trường. Bởi hiện nay, các thương hiệu ưu tiên chọn trung tâm thương mại có chủ đầu tư uy tín, có kinh nghiệm vận hành. Chưa kể, họ sẽ lưu ý đến việc lựa chọn “hàng xóm”, tức nhóm nhãn hàng sẽ thuê cùng với họ là ai. Do đó, các nhà vận hành trung tâm thương mại sẽ phải có chiến lược kinh doanh mới để thu hút khách hàng.
Việc “rũ áo ra đi” của các “đại gia” ngoại không đồng nghĩa với việc thị trường bán lẻ Việt Nam kém hấp dẫn. Bởi đây là thị trường có tăng trưởng bình quân 25%/năm từ năm 2000 đến nay, mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Quy mô thị trường đạt 142 tỷ USD năm ngoái và dự kiến tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP (theo Bộ Công thương).
Ngay cả trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu do lo ngại lạm phát, thu nhập giảm và suy thoái kinh tế, thì trong 5 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2015. Nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 8,3%. Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.993 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%).
Đó cũng là lý do mà mới đây, cơ quan Xúc tiến thương mại quốc tế (DITP) thuộc Bộ Thương mại Thái Lan đã khuyến nghị các doanh nhân Thái Lan hãy để mắt đến thị trường bán lẻ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Khi con mắt để ý đến thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng nhiều thì áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Sự bành trướng của người ở lại
Việc ra đi của nhiều đại gia bán lẻ càng khiến những người ở lại thêm nhiệt huyết. Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước hiện có khoảng 1.100 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Con số này dự đoán tiếp tục tăng lên khi các nhà bán lẻ tung bản kế hoạch mở rộng cửa hàng của mình.
Central Retail tuyên bố sẽ đầu tư khoảng 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan vào Việt Nam, cũng là ván cược lớn vào sức mua của thị trường này. Đổi lại, việc làm ăn tại Việt Nam cũng mang lại lợi nhuận khủng, lên tới 9.600 tỷ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu của công ty mẹ, chỉ trong quý đầu năm.
Một ông lớn bán lẻ khác là Aeon dự kiến sẽ mở thêm 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Trước mắt, trong năm nay là 2-3 siêu thị quy mô vừa tại khu vực phía nam, với diện tích khoảng 5.000 m2. Đến nay, Việt Nam là nước mà nhà bán lẻ Nhật Bản rót tiền nhiều nhất thế giới, với hơn 1,18 tỷ USD.
Lotte Mart dù cũng phải đối diện với tình trạng chững lại trong hoạt động, nhưng đã ghi nhận sự phục hồi trong năm ngoái với lợi nhuận 15 triệu USD.
Không chỉ các đại gia ngoại, các nhà bán lẻ nội địa cũng tích cực vung tiền bành trướng. Sau khi đạt quy mô hơn 3.000 điểm bán, WinCommerce tiếp tục nuôi tham vọng mở thêm từ 800 - 1.200 cửa hàng ở khu vực thành thị, nông thôn.
Saigon Co.op cho biết có kế hoạch mở rộng siêu thị tại khu vực miền Trung, không dừng lại ở con số 28 điểm bán tại đây. Emart sau khi về tay Thaco cũng ghi nhận sự “thay da, đổi thịt”. Tập đoàn này đặt mục tiêu mở 20 đại siêu thị cho đến năm 2026, doanh thu 1 tỷ USD.
Sự tăng tốc đầu tư của những tập đoàn “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” khiến cuộc đua giành thị phần trong lĩnh vực bán lẻ càng nóng hơn. Tuy nhiên, đằng sau của sự bành trướng này một mặt làm tăng quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng một mặt sẽ tiếp tục đẩy một số nhà bán lẻ vào thế yếu.