Ngành bán lẻ thời ‘cọc đi tìm trâu’
(DNTO) - Sự cạnh tranh quyết liệt đã khiến các “đại gia” bán lẻ phải về tận vùng sâu,vùng xa tìm nhà cung cấp, thay vì trước kia đợi nhà cung cấp đến tìm mình.
“Khi doanh nghiệp hỏi có rào cản nào khi tiếp cận Wincommerce không, xin trả lời là không”, ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống bán lẻ WinMart thuộc Wincommerce, nói khi được hỏi về việc làm thế nào để sản phẩm tiếp cận hệ thống siêu thị này.
Cũng theo vị này, năm 2022, Winmart đã mở hơn 800 siêu thị và siêu thị mini trên toàn quốc và hướng tới mục tiêu 6.000 điểm trên toàn quốc tới 2025. Điều này khẳng định WinMart đánh giá cao tiềm năng bán lẻ trong nước.
Thế nhưng, các nhà cung cấp đa phần gặp khó khăn ở khâu hậu cần vì phải đầu tư hệ thống vận tải, giúp vận chuyển hàng hóa tới hàng nghìn điểm bán của các siêu thị trên toàn quốc. Điều này đôi khi làm lỡ nhịp vào siêu thị của rất nhiều sản phẩm OCOP hay các sản phẩm chất lượng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ. Đồng thời cũng làm mất đi một phần cơ hội của các đại gia bán lẻ muốn sở hữu những sản phẩm độc đáo, chất lượng trên kệ của mình. Do đó, thay vì gạt hồ sơ của những nhà cung cấp không đủ điều kiện, các nhà bán lẻ tìm cách cùng họ giải bài toán này.
“Khi đến gặp Wincommerce, nhà cung cấp thường lo lắng làm sao có thể đưa hàng đến 3.400 điểm bán từ Cà Mau đến Sơn La. Năm 2022, chúng tôi mạnh dạn đầu tư AI vào chuỗi cung ứng, giảm tải khí thải và tối ưu chuyến xe hàng. Các siêu thị và cửa hàng trên toàn quốc luôn đầy ắp mặt hàng của người dân.
Năm 2021, khi dự buổi giao lưu kết nối với tỉnh Sơn La, chúng tôi mạnh dạn đưa sản phẩm mận Sơn La vào siêu thị. Lúc đó, chúng tôi cũng đặt câu hỏi nếu đưa vào Cà Mau, Bạc Liêu thì người dân đón nhận thế nào. Nhưng thực tế số lượng bán rất khủng khiếp. Trên các cửa hàng ở tận những ngõ xa xôi ở Cà Mau, Bạc Liêu đều hiện diện sản phẩm mận Sơn La. Đây là ví dụ những sản phẩm có chất lượng, đặc sản vùng miền đều có cơ hội đến với các điểm bán hệ thống của Wincommerce”, ông Tuấn nói.
Một tay chơi bán lẻ khác Central Retail cũng không bỏ qua cơ hội để có nhiều hơn các sản phẩm trên kệ hàng của mình. Bên cạnh việc ngồi im chờ các nhà cung cấp gõ cửa, đại gia bán lẻ từ Thái Lan chủ động tiếp cận nhà cung cấp, đặc biệt những người nông dân.
“Vào siêu thị quan trọng nhất vẫn là phải bán được hàng. Chúng tôi phải làm sao giúp nông nghiệp, nông dân xây dựng chuỗi giá trị để bán được hàng. Chúng tôi phải phân tích với 75 triệu khách hàng mua mỗi năm, bao nhiêu khách sẽ mua sản phẩm đó? Chúng tôi phải tìm hiểu sản phẩm đó vào siêu thị như thế nào, hợp với người tiêu dùng ra sao. Muốn khách hàng để ý đến sản phẩm thì bao bì phải hấp dẫn, phải có câu chuyện kể về sản phẩm”, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam, chia sẻ.
Theo Nielsen, 76% người tiêu dùng Việt Nam chuộng hàng nội địa, và gần 2/3 người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm có thương hiệu, chất lượng, an toàn cho sức khỏe.
Đó cũng là lý do để các nhà bán lẻ chạy đua đưa hàng Việt lên kệ. Chưa kể, sản phẩm Việt ngày càng đa dạng về hình thức, mẫu mã, đáp ứng ngày càng tốt hơn các tiêu chuẩn của thị trường, cũng là điểm hấp dẫn với các nhà bán lẻ.
Theo thống kê của Bộ Công thương, hàng Việt trong các hệ thống siêu thị nội như Saigon Coop, Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Winmart, Hapro, Satra… chiếm trên 90%. Con số này tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam như BigC/Go!/Tops Market (Central Retail), Lotte, Aeon, Mega Market… chiếm từ 60 - 96%.
Bên cạnh việc chủ động tiếp cận các nhà cung cấp, các nhà bán lẻ cũng tiếp tục chạy đua để tiếp cận khách hàng. Nếu trước đây, các siêu thị thường chỉ chú trọng tiếp xúc “vật lý” với khách hàng thông qua việc đặt trung tâm mua sắm ở vị trí “đất vàng”, bày trí không gian hấp dẫn, khoa học… thì nay, việc chăm sóc và tiếp cận khách hàng ở chiều sâu hơn để bắt kịp với các xu hướng tiêu dùng mới.
Ông Trần Minh Đức, Phó Giám đốc Thương mại điện tử Nielsen IQ, cho biết các nhà bán lẻ hiện cũng thực hiện rất nhiều khảo sát để nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, họ nhanh chóng chuyển hướng đa kênh, kết hợp cả online và offline cũng như tích hợp nhiều dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt nhất.
“Khảo sát của Nielsen IQ cho thấy đa số các hệ thống bán lẻ hiện đại như Co.opmart, Winmart, Bách Hóa Xanh, Aeon, Lotte Mart, BigC (Go! Top Market), Emart… đều có các cửa hàng trực tuyến, các app hay dịch vụ giao hàng tận nhà, hỗ trợ thanh toán COD hay bằng thẻ hay chuyển khoản trực tiếp không khác gì thương mại điện tử để khách hàng mua sắm dễ dàng nhất”, ông Đức cho hay.