Thương mại điện tử vẫn là lĩnh vực kinh tế sáng nhất, quy mô có thể đạt trên 20 tỷ USD
(DNTO) - Theo VECOM, thương mại điện tử vẫn tiếp tục được nhận định là lĩnh vực kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất trong năm 2023.
Giữ vững nhịp độ tăng trưởng 2 con số
Sáng 18/4, Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2023 được tổ chức. Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2023, những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước đã tác động tiêu cực thương mại nước ta.
Tuy nhiên, tiếp tục hai làn sóng tăng trưởng trước đó, VECOM ước tính thương mại điện tử nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.
VECOM ước tính năm 2022 quy mô giao dịch thương mại điện tử bán lẻ chiếm khoảng 8,5% trong 5.680 nghìn tỷ đồng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Xét riêng lĩnh vực bán lẻ hàng hoá, năm 2022 tỷ lệ bán lẻ hàng hoá trực tuyến so với tổng mức bán lẻ hàng hoá khoảng 7,2%, cao hơn tỷ lệ tương ứng 6,7% của năm 2021.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, 3 tháng đầu năm tổng sản phẩm trong nước tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.505,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%. Hai ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 26,0%, ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,1%.
Những khó khăn lớn của nền kinh tế từ giữa năm 2022 đã kéo dài sang quý một và có thể đến hết năm 2023. Trong khó khăn đó, VECOM đánh giá thương mại điện tử của quý một tăng trưởng trên 22% so với cùng kỳ và cả năm vẫn có thể đạt trên 25%.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong bối cảnh các doanh nghiệp khó khăn bởi suy thoái kinh tế, khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn tín dụng, cấp thiết phải đưa giải pháp tài chính thông minh vào cuộc sống để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn nguồn vốn của các tổ chức tài chính.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại điện tử nước ta còn chiếm quy mô nhỏ (khoảng 8,5% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng), việc nỗ lực để đưa nhiều hàng hóa, sản phẩm Việt Nam, kể cả thủy sản có thể đưa lên các sàn thương mại điện tử là rất quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp online thất bại vì mải chạy theo “trend”
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, CEO Accesstrade, thương mại điện tử hiện không chỉ dừng lại ở các sản phẩm, hàng hóa mà còn mở rộng ra các ngành dịch vụ khác như tài chính, du lịch, ngân hàng…. Nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử cho biết họ sẽ tăng tỷ trọng lên thương mại điện tử từ 20% lên 40% vì đây là kênh giúp họ tăng trưởng nhanh hơn.
Hiện có 3 xu hướng nổi bật trong thương mại điện tử là live commerce (thương mại trực tiếp), tiếp thị liên kết, ChatGPT.
Với xu hướng live commerce, đây là cách giúp các thương hiệu tăng tốc độ bán hàng. Nếu theo phương thức truyền thống, các doanh nghiệp mang sản phẩm ra gian hàng, có thể mất tới 30 ngày mới giải quyết hàng tồn kho. Nhưng với live commerce, trong một phiên phát trực tiếp buổi tối (4 tiếng) có thể bằng một shop bán truyền thống trong 1 tháng.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, các doanh nghiệp tiếp cận thương mại điện tử chưa thành công là mải chạy theo trend (xu hướng), đây là cách tiếp cận không bền vì không tạo ra “ma trận điểm chạm”. Bởi kinh doanh thương mại điện tử khác truyền thống ở chỗ người tiêu dùng quyết định rất nhanh. Vì vậy doanh nghiệp xây dựng được nền tảng thương mại điện tử đa kênh sẽ có lợi thế. Hiện nay cần tận dụng lợi thế công nghệ để kinh doanh chứ không phải dựa vào sức và tiền.
“Doanh nghiệp khi Facebook bùng nổ thì bỏ website, có Shopee thì bỏ Facebook, hay có Tiktok thì bỏ Shopee, không thể tạo ra “ma trận điểm chạm”. Ví dụ như Thế giới Di động, họ luôn chọn địa điểm đẹp nhất ở các ngã 4, mang đến cho khách hàng trải nghiệm tốt nhất, nên dù bán giá cao nhưng vẫn đông người lựa chọn. Hay như Shopee, phủ sóng khắp nơi từ facebook, quảng cáo, áp phích… đi đâu cũng thấy Shopee nên người tiêu dùng mua ở đâu cũng quay về Shopee”, ông Hưng nêu ví dụ.
“Cân bằng cộng sinh” giữa kênh online và offline
Bà Lê Minh Trang, đại diện Nielsen Việt Nam cho biết, theo khảo sát của Nielsen về xu hướng người tiêu dùng năm 2023 cho thấy, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, người tiêu dùng có lối sống lạc quan nhưng cẩn trọng. 39% trong số nhóm người phục hồi nói rằng họ giảm chi tiêu ăn uống bên ngoài. 40% nhóm người thận trọng dù không bị ảnh hưởng về tài chính nhưng vẫn cân nhắc trong chi tiêu, giảm tiêu dùng các thức uống có cồn nếu giá còn tăng.
Người tiêu dùng đang thực hiện tiết kiệm thường xuyên hơn. Các mặt hàng thiết yếu được tiêu dùng nhiều hơn nhưng 36% người tiêu dùng cho biết sẽ tiêu dùng ít đi các mặt hàng như đồ ăn vặt và bánh kẹo, 34% tiêu dùng ít lại thức uống có cồn nếu các hàng hóa này tăng giá trong 3 tháng mới.
“Trong bất kì hoàn cảnh nào, từ trước dịch, trong dịch hay bình thường mới, các nhà sản xuất và bán lẻ cần hiểu ý định chi tiêu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược phù hợp để thích ứng với từng nhóm khác nhau. Cân nhắc nguồn lực đầu tư cho danh mục sản phẩm, ưu tiên cho nhóm thiết yếu”, bà Trang nhấn mạnh.
Cũng theo đại diện của Nielsen, người tiêu dùng đang chuyển dịch mạnh mẽ lên online nên các nhà bán lẻ và nhà sản xuất FMCG cần tiếp cận với phương thức “cân bằng cộng sinh” giữa kênh online và offline để giành chiến thắng trong bối cảnh đa kênh đang biến đổi nhanh chóng. Kênh hiện đại và kênh truyền thống đều phải trang bị công nghệ trong bán lẻ để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và tối ưu trải nghiệm người tiêu dùng.