Hàng hóa mất vé vào siêu thị chỉ vì khâu giao nhận
(DNTO) - Thiếu chất lượng, sản lượng, thậm chí là hệ thống hậu cần khiến nhiều doanh nghiệp Việt gặp khó khăn khi đưa sản phẩm vào các kênh phân phối.
Chuẩn bị kĩ thì chào hàng nhanh
Trong Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực miền Trung - Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại hôm 11/5, nhiều bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp đã được chia sẻ.
Chia sẻ bí quyết đưa thành công 128 sản phẩm vào các chuỗi siêu thị lớn ở Việt Nam (Aeon, Coopmart, WinMart, MM Mega Market, GO!/BigC... ), và xuất khẩu sang các thị trường khó tính (Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu…), ông Nguyễn Trung Dũng, CEO Dh Foods nói bí quyết nằm ở việc làm chuẩn ngay từ đầu và luôn chuẩn bị kĩ lưỡng để “gặp ai cũng có thể chào hàng”.
Từ năm 2010 khi rời Ba Lan về nước khởi nghiệp, lúc đó kênh phân phối siêu thị chiếm tỷ trọng rất nhỏ ở Việt Nam. Nhưng dự đoán kênh siêu thị sẽ phát triển mạnh, Dh Foods ngay từ ban đầu đã làm chuẩn về mẫu mã, nguyên liệu cho đến hồ sơ công bố kế toán. Ông Dũng cho biết điều này rất quan trọng với các công ty nhỏ.
“Nhiều bạn nghĩ rằng cứ làm đã rồi từ từ ta sẽ làm tốt hơn, sẽ điều chỉnh, nhưng không đúng. Vì nhiều khi có cơ hội gặp hệ thống siêu thị, họ nói anh chào hàng đi, tôi có thể cho anh vào, nhưng nếu sản phẩm không chuẩn thì cơ hội đi qua và không còn nữa. Chúng tôi làm chuẩn và đa dạng hóa sản phẩm ngay từ đầu, mặc dù công ty còn rất bé, nên khi có cơ hội, bọn tôi chào hàng được luôn và hệ thống đầu tiên là Lotte Mart, Eco Mart và sau đó là BigC.
Năm ngoái, Bộ Công thương giới thiệu cho Dh Foods một đối tác rất lớn ở Pháp. Vì chúng tôi đã có mọi thứ hoàn chỉnh nên có thể chào hàng được luôn. Sau đó, tháng 10, chúng tôi sang triển lãm bên Pháp gặp họ và đến tháng 12 kí hợp đồng. Hiện container hàng đầu tiên đã qua, chuẩn bị lên kệ siêu thị của Pháp”, ông Dũng chia sẻ.
Khi quy mô công ty nhỏ, CEO Dh Foods cho biết doanh nghiệp không thể xây dựng nhà máy hay hệ thống phân phối, nhưng có thể tận dụng các công ty bên ngoài để gia công, phân phối.
“Rất nhiều công ty nhỏ nói với tôi họ bị siêu thị từ chối vì không giao được hàng. Như vậy tự mình cắt đi cơ hội. Nên tận dụng các công ty bên ngoài họ dư công suất để gia công hay những công ty có thể giao hàng đến từng điểm bán. Khi vào được siêu thị Việt Nam, khả năng chào được các hệ thống phân phối nước ngoài rất cao”, ông Dũng cho hay.
Tận dụng sự hỗ trợ nhưng không được dựa dẫm
Là doanh nghiệp phát triển sản phẩm bánh dừa nướng từ đặc sản dừa Tam Quan (Bình Định), công ty Mỹ Phương Food cũng trải qua rất nhiều lần thất bại để đưa sản phẩm thành công đến 63 tỉnh thành và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Á…
Bà Mai Thị Ý Nhi, CEO Mỹ Phương Food cho biết, đi lên từ doanh nghiệp gia đình nên sản phẩm bánh dừa nướng cũng thất bại rất nhiều lần vì chưa có thương hiệu, sản phẩm quá dày, quá ngọt, quá cứng… không phù hợp với nhiều khách hàng. Sau đó công ty phải tìm cách cải tiến máy móc để cho ra sản phẩm phù hợp hơn.
Bà Phương cho biết, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường không có khoản chi phí cho marketing, bán hàng. May mắn với công ty là tham gia chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, được hỗ trợ truyền thông và các buổi kết nối với đối tác, giúp công ty có thể phát triển.
“Đến nay vào năm thứ 6, tôi và ông xã vẫn phải tiếp tục đi học. Muốn phát triển nhanh và nắm bắt cơ hội phải thay đổi tư duy. Phải tự nỗ lực chứ không thể hoàn toàn chờ đợi sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Việc đi các hội chợ phải mời từng gói bánh, tiếp cận từng khách hàng rất cực khổ. Nhưng việc tận dụng cơ hội truyền thông từ chương trình OCOP đã giúp chúng tôi đi đến ngày hôm nay”, bà Phương nói.
Ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam cho biết tập đoàn đã có 10 năm hoạt động tại Việt Nam và đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư 145 tỷ USD tiếp tục mở thêm chuỗi siêu thị tại đây. Theo ông Paul Lê, Việt Nam hiện có 8.500 sản phẩm OCOP nhưng làm sao phải có câu chuyện cho sản phẩm.
“Ví dụ Hà Tĩnh có bánh cu đơ, phải làm sao kể được câu chuyện về bánh đó để bung ra văn hóa bánh cu đơ ra cả nước”, ông Pau Lê nói.
Còn theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, Giám đốc vận hành Hệ thống bán lẻ WinMart (thuộc Wincommerce – Masan), 90% mặt hàng trong hệ thống của chuỗi này là hàng Việt. Để đưa hàng hóa vào thì việc đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Đây là điều tiên quyết mà mọi sản phẩm bán trong các kênh phân phối hiện đại đều tuân thủ.
Ngoài ra, Wincommerce cũng rất quan tâm đến việc doanh nghiệp có định hướng phát triển rõ ràng, có chiều sâu chất lượng, chủ động công tác truyền thông, marketing sản phẩm của mình.
“Cái quan trọng nhất là doanh nghiệp miền Trung – Tây Nguyên là phải thường xuyên khảo sát khách hàng để cải thiện và cải tiến sản phẩm của mình. Việc này giúp doanh nghiệp có cơ hội không chỉ bán trong khu vực vùng miền mà có thể bán toàn quốc. Vì có những sản phẩm có thể phù hợp với khẩu vị miền Trung nhưng nếu cải tiến có thể thúc đẩy bán toàn quốc. Chúng tôi sẽ hướng dẫn và trong quá trình làm việc lâu dài sẽ thường xuyên thanh, kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm”, ông Tuấn nói.