Doanh nghiệp nội chiếm ưu thế trên thị trường bán lẻ

(DNTO) - Sự trở mình và mở rộng điểm bán, đầu tư công nghệ... của các thương hiệu nội địa trong thời gian qua, nhất là sau đại dịch Covid-19, đã làm cho thị trường bán lẻ trở nên sôi động hơn. Nếu nhìn tổng thể, các doanh nghiệp bán lẻ nội hiện đang chiếm ưu thế về điểm bán, độ phủ.

Thaco đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị Emart trong 5 năm tới, mục tiêu doanh thu 1 tỷ đô, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam. Trong ảnh: Người tiêu dùng mua sắm tại Emart Gò Vấp (Ảnh: Vũ Yến)
Mở mới và làm mới
Cửa hàng tiện lợi Winmart+ trên đường Thiên Phước, quận Tân Bình khoảng một tháng trở lại đây đã đóng cửa để sửa chữa. Trước cửa hàng này hiện có tấm bảng với dòng chữ “Trở lại với diện mạo hoàn toàn mới”.
Đây chỉ là một trong rất nhiều cửa hàng tiện lợi tại TP.HCM đang “thay da đổi thịt” hàng ngày.
Ngày 29/7 vừa qua, trong công bố phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét 6 tháng đầu năm 2022, WinCommerce (thuộc Tập đoàn Masan) – đơn vị chủ quản của chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, WinCommerce tiếp tục mở rộng quy mô khi khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán.
Trong kế hoạch, WinCommerce sẽ khai trương 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022 nhằm mở rộng mạng lưới bán lẻ, trong đó có hơn 100 cửa hàng đi theo mô hình nhượng quyền. Việc khai trương này nằm trong kế hoạch tăng tốc mở rộng quy mô, hướng đến mục tiêu đạt 3.800 điểm bán cuối năm 2022.
Cũng trong ngày 29/7, Nova Commerce, thuộc Tập đoàn NovaGroup đã khai trương siêu thị Nova Supermarket rộng 2.000m2 đầu tiên tại mặt tiền Đại lộ Mai Chí Thọ, TP.Thủ Đức, TP.HCM.
Chỉ sau gần 5 tháng gia nhập thị trường, Nova Commerce đã đưa vào vận hành 30 cửa hàng Nova Market, tập trung tại TP.HCM, Đồng Nai, Phan Thiết và Hồ Tràm.
Theo kế hoạch, Nova Commerce sẽ mở 100 cửa hàng và 6 siêu thị quy mô lớn trong năm 2022, mở rộng hơn 2.000 điểm bán đến năm 2025.
Trong khi đó, ngày 5/8 vừa qua, chia sẻ tại hội nghị khách hàng với hơn 500 nhà cung cấp, đối tác của Emart Việt Nam, ông Chun Byung Ki – Tổng giám đốc THISO Retai (thuộc Tổng Công ty thành viên của Tập đoàn Thaco) cho biết Emart Việt Nam đang triển khai kế hoạch khai trương hai đại siêu thị trong năm 2022, gồm Emart Sala Thủ Thiêm (tháng 10) và Emart Phan Huy Ích (tháng 12). Đồng thời, đặt kế hoạch đạt 20 siêu thị trong 5 năm tới, mục tiêu doanh thu 1 tỷ đô, trở thành đại siêu thị có thị phần số 1 tại Việt Nam.
Riêng nhà bán lẻ lớn là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng dự định, trong năm 2022, sẽ mở từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư; với mô hình bán lẻ nhỏ sẽ mở mới 80-100 điểm.
Trả lời Doanh Nhân Trẻ ngày 10/5, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) - một nhà bán lẻ uy tín khác của Việt Nam, cho biết, đến cuối năm 2021, hệ thống bán lẻ Satra có 3 siêu thị, 2 trung tâm thương mại, 188 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra, Satrafoods (trong đó có 180 cửa hàng tại TP.HCM và 8 cửa hàng tại TP Cần Thơ) và 6 cửa hàng kinh doanh đặc thù của Thương xá Tax (hàng lưu niệm, café, miniso…). Mục tiêu ngắn hạn trong thời gian tới, hệ thống bán lẻ Satra có 4 siêu thị, 3 trung tâm thương mại và 250 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods.
Một nhà bán lẻ khác phải kể tới là Bách Hóa Xanh. Sau khi đóng hàng loạt cửa hàng, tính tới ngày 8/8, trên website của đơn vị này vẫn có 1740 cửa hàng đang hoạt động.
Giữ vị thế chủ động trên “sân nhà”

Saigon Co.op dự kiến trong năm 2022, sẽ mở từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại và 80-100 điểm bán nhỏ. Trong ảnh: Tại một siêu thị Co.opmart ở TP.HCM. (Ảnh: VY)
Cách đây khoảng 6-7 năm, cán cân của thị trường bán lẻ nghiêng nhiều về phía các tên tuổi nước ngoài như Lotte Mart, Emart, Parkson, Giant, Auchan, Metro (Đức), BigC (Pháp), Fivimart... Nhưng các tên tuổi này lần lượt rút khỏi thị trường; chuyển nhượng lại cho doanh nghiệp Việt Nam; hoặc tái định vị dưới tên khác sau khi đổi chủ...
Có thể kể tới việc Parkson, nhà bán lẻ tên tuổi của Pháp lui khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam; Auchan - một thương hiệu lớn của Pháp cũng chấm dứt 4 năm xây dựng thương hiệu tại Việt Nam sau khi bán toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam cho Liên hiệp HTX thương mại TP.HCM (Saigon Co.op); Emart của Hàn Quốc thì bán lại toàn bộ hạ tầng kinh doanh cho Thaco, đồng thời nhượng quyền thương mại thương hiệu siêu thị Emart cho tập đoàn này...
Theo Hiệp hội Các nhà Bán lẻ Việt Nam, mặc dù thị trường bán lẻ tại Việt Nam đã có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhưng các doanh nghiệp nắm giữ thị phần chủ yếu vẫn là những thương hiệu nội địa.
Mặc dù chưa có số liệu hoàn toàn chính xác nhưng có thể nói thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang có ưu thế về số lượng điểm bán, độ phủ.
Cạnh tranh trực tiếp với các nhà bán lẻ Việt Nam, có thể kể tới các thương hiệu Central Retail Việt Nam, Aeon Việt Nam.
Ông Olivier Langlet, Tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết, kế hoạch 5 năm tới (2022 – 2026) của Central Retail Việt Nam là đầu tư hơn 30 tỷ baht (tương đương 20.000 tỷ đồng) với các mục tiêu như trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại tại Việt Nam; thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 100 tỷ baht (tương đương 65.000 tỷ đồng); tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam (trên tổng số 63 tỉnh thành).
Nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản AEON Việt Nam đang tập trung phát triển lĩnh vực siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu tại Hà Nội, dự kiến đạt 20 siêu thị vào năm 2022 và 100 siêu thị vào năm 2025. Bên cạnh đó, đơn vị này vẫn tiếp tục tăng tốc mở thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị (TT BHTH & ST) cũng như các cửa hàng chuyên doanh như Glam Beautique, AEON Bicycle tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra, AEON Việt Nam cũng sẽ phát triển thêm mô hình bán lẻ mới không nằm trong khuôn viên Trung tâm Mua sắm AEON mà được đặt tại các trung tâm thương mại của đối tác, như TT BHTH & ST quy mô nhỏ (Mini GMS) dự kiến khai trương trong quý 3/2022 tại Hà Nội, và TT BHTH & ST tinh gọn (Compact GMS) dự kiến khai trương vào năm 2023 tại thành phố mới Bình Dương.
Riêng cái tên MM Mega Martket, có cạnh tranh nhưng con đường mà đơn vị này chọn lại có chút khác biệt với các hệ thống siêu thị khác. Đó là ngoài mở rộng việc cung ứng hàng hóa, tăng tiện ích cho khách hàng cá nhân, đơn vị này tiếp tục phát triển khối khách hàng chuyên nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và căn tin. Theo đó, MM Mega Market tập trung phát triển trung tâm giao hàng (depot), thay vì mở rộng các siêu thị, đại siêu thị. Đến nay bên cạnh hệ thống 21 trung tâm và 5 trạm cung ứng hàng hóa, MM Mega Market đã phát triển 6 trung tâm giao hàng trên toàn quốc.
Quy mô đầu tư vào thị trường bán lẻ dự báo sẽ tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 1,6 lần năm 2020).
Theo thống kê của Sở Công thương TP.HCM, tính đến nay, toàn thành phố có 46 trung tâm thương mại, 237 siêu thị, hơn 3.000 siêu thị mini và cửa hàng bán lẻ hiện đại (cửa hàng tiện lợi), 236 chợ truyền thống. So với thời điểm cuối năm 2015, mạng lưới phân phối hàng hóa của thành phố tăng thêm sáu trung tâm thương mại, 56 siêu thị, gần 2.200 cửa hàng tiện lợi và giảm bốn chợ. Cùng với đó, thành phố hiện có hơn 28 nghìn cửa hàng bán lẻ truyền thống (cửa hàng tạp hóa) đang hoạt động. Hệ thống phân phối hiện đại của thành phố được đánh giá có quy mô lớn nhất cũng như đa dạng và phong phú về loại hình nhất cả nước.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, dự kiến đến năm 2025, thành phố sẽ phát triển thêm 67 siêu thị, 81 trung tâm thương mại; giữ nguyên hiện trạng 200 chợ, phát triển thêm 17 chợ; giải tỏa, di dời, chuyển công năng của 37 chợ...
Số liệu từ tháng 3/2021 từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Việt Nam có khoảng 1.085 siêu thị, 240 trung tâm thương mại và gần 2.000 cửa hàng tiện lợi. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam đang chiếm khoảng 70% đến 80% số điểm bán trên cả nước.