Đằng sau chuyện Bách Hóa Xanh đóng hàng loạt cửa hàng: Thị trường bán lẻ sẽ ra sao?
(DNTO) - Từ tháng 4/2022 tới 14/7/2022, hệ thống Bách Hóa Xanh đã đóng 300 cửa hàng. Được biết, đơn vị này sẽ còn tiếp tục đóng các cửa hàng, tới quý 3/2022 toàn bộ cửa hàng hiện hữu sẽ hoạt động với diện mạo mới. Câu chuyện đóng cửa của Bách Hóa Xanh cho thấy sức nóng của thị trường bán lẻ thời gian tới.
Từ câu chuyện Bách Hóa Xanh...
Theo thông tin trên website bán hàng Bách Hóa Xanh, tính đến sáng 14/7, hệ thống này còn 1.824 cửa hàng hoạt động. Như vậy, Bách Hóa Xanh đã giảm đi 316 cửa hàng trong những tháng vừa qua.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Doanh Nhân Trẻ, hiện nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh tại TP.HCM đã và đang treo bảng giảm giá 50%, thanh lý hàng hóa để sửa chữa, đóng cửa. Một số cửa hàng đã đóng cửa hoàn toàn, số khác sau quá trình sửa chữa đã hoạt động lại với diện mạo mới.
Trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Trẻ sáng nay, 14/7, đại diện của Bách Hóa Xanh cho biết, các cửa hàng đóng là do không đáp ứng yêu cầu mới về cửa hàng Bách Hóa Xanh, việc đóng cửa hàng là một phần trong quá trình tái cơ cấu, đã diễn ra từ tháng 4/2022.
Cụ thể hơn, vị đại diện này cho biết, bắt đầu từ tháng 4/2022, đơn vị này đã thay đổi layout tại 460 cửa hàng, chuẩn hóa diện tích với layout trưng bày mới; chỉ tập trung vào 2.000-3.000 SKUs (đơn vị lưu kho) có nhu cầu tiêu dùng cao và thường xuyên. Tới tháng 5/2022, 50% trong tổng số 2.104 cửa hàng đã có layout mới.
So với 3 tháng đầu năm, doanh thu bình quân một cửa hàng và sản lượng sản phẩm tươi sống bán ra lần lượt là 14%, 30% và 50%. Dự kiến, tới quý 3/2002, toàn bộ cửa hàng hiện hữu sẽ hoạt động với diện mạo mới. Đồng thời tiếp tục rà soát, xử lý triệt để các cửa hàng kém hiệu quả, hoàn tất xử lý tồn kho...
Tới quý 4/2022, Bách Hóa Xanh sẽ cơ bản hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end, bao gồm dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng loại cửa hàng, cảnh báo và kiểm soát thất thoát, tinh gọn quy trình vận hành. Đặc biệt, kỳ vọng mỗi cửa hàng sẽ đạt doanh thu 1,3 tỉ đồng và phát triển kênh online.
Về số lượng cửa hàng cụ thể cho tới quý 4/2022, đại diện của Bách Hóa Xanh chưa tiết lộ.
“Chắc chắc chúng tôi sẽ mở mới, nhưng cần thời gian”, vị đại diện này nói.
Trước đó, tại đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, công ty mẹ của Bách Hóa Xanh cũng thừa nhận, so với các chuỗi bán lẻ thành viên của MWG như Thế Giới Di Động hay Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh còn nhiều điểm tồn đọng và sẽ tạm ngưng mở mới trong năm 2022 để cải thiện dịch vụ.
Theo báo cáo tổng quan kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 của Thế Giới Di Động, đơn vị này đạt 59.324 tỉ đồng doanh thu, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 42% kế hoạch doanh thu 140.000 tỉ đồng của năm 2022, trong đó, Bách Hóa Xanh đạt 10.500 tỉ đồng, chiếm gần 18%.
Sức nóng của thị trường bán lẻ thời gian tới
Mặc dù đóng cửa 300 cửa hàng Bách Hóa Xanh trong thời gian không dài, tuy nhiên, theo báo cáo tổng quan kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022 của Thế Giới Di Động, đơn vị này đã có 906 cửa hàng Điện Máy Xanh, doanh số lũy kế gấp 1,8 lần so với cùng kỳ; 46 cửa hàng Top Zone với doanh số lũy kế 840 tỉ đồng; 301 nhà thuốc An Khang với doanh thu lũy kế gấp 3,6 lần so với cùng kỳ; đạt cột mốc 50 cửa hàng AVA kids vào ngày 1/6/2022, đóng góp hơn 100 tỉ đồng doanh số kể từ đầu năm 2022.
Với việc mở rộng một cách ồ ạt các chuỗi cửa hàng bán lẻ như cách Thế Giới Di Động đang làm, nhìn rộng ra thị trường bán lẻ, có thể thấy sự cạnh tranh càng nóng trong một thị trường vốn đã cạnh tranh gay gắt.
Trước đó, ngày 11/7, Central Retail, tập đoàn hàng đầu Thái Lan cho biết sẽ đầu tư 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới. Việc này nhằm thúc đẩy kết quả kinh doanh đạt 65.000 tỷ đồng; tăng gấp đôi tỷ lệ doanh thu từ các nền tảng bán hàng đa kênh đạt mức 15% và phát triển mở rộng trên 55 tỉnh thành Việt Nam (trên tổng số 63 tỉnh thành). Tập đoàn này tham vọng trở thành nền tảng đa kênh số 1 trong lĩnh vực thực phẩm, kinh doanh trung tâm thương mại tại thị trường Việt Nam.
Trước đó nữa, ông Furusawa Yasuyuki - Tổng giám đốc AEON Việt Nam cho biết, kế hoạch phát triển trong năm 2022 của AEON Việt Nam là tập trung phát triển lĩnh vực siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu tại Hà Nội, dự kiến đạt 20 siêu thị vào năm 2022 và 100 siêu thị vào năm 2025.
Bên cạnh đó, đơn vị này vẫn tiếp tục tăng tốc mở thêm các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị (TT BHTH & ST) cũng như các cửa hàng chuyên doanh như Glam Beautique, AEON Bicycle tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM.
Ngoài ra, AEON Việt Nam cũng sẽ phát triển thêm mô hình bán lẻ mới không nằm trong khuôn viên Trung tâm Mua sắm AEON mà được đặt tại các trung tâm thương mại của đối tác, như TT BHTH & ST quy mô nhỏ (Mini GMS) dự kiến khai trương trong quý 3/2022 tại Hà Nội, và TT BHTH & ST tinh gọn (Compact GMS) dự kiến khai trương vào năm 2023 tại thành phố mới Bình Dương.
Một nhà bán lẻ lớn là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng dự định, trong năm 2022, sẽ mở từ 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư; với mô hình bán lẻ nhỏ sẽ mở mới 80-100 điểm.
Với kế hoạch mở rộng hay thu hẹp (có chủ đích) của các đơn vị bán lẻ, bức tranh bán lẻ từ nay đến cuối năm 2022 sẽ vô cùng sôi động và cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, trải qua trận đại dịch Covid-19, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, giá cả leo thang, sức mua của người dân sụt giảm thì khó khăn của các nhà bán lẻ không phải là ít.