Xuất khẩu qua kênh bán lẻ: Người mua có lòng nhưng người bán bất lực
(DNTO) - Chưa nói về chất lượng, chỉ riêng việc sản lượng không đủ do sản xuất manh mún khiến hàng Việt lỡ nhiều cơ hội vào các kênh bán lẻ quốc tế.
Những năm gần đây, con đường xuất khẩu của Việt Nam ngày càng rộng mở với đa phương thức, giúp hàng Việt hiện diện nhiều hơn tại thị trường quốc tế. Trong đó, kênh bán lẻ đang là một con đường hàng Việt xuất khẩu hiệu quả.
Đơn cử như hệ thống bán lẻ GO và Tops Market (trước là BigC) thuộc Central Group, mỗi năm đều xuất khẩu trên 46 triệu USD hàng Việt ra hệ thống của siêu thị này trên toàn cầu.
Tương tự, hàng Việt xuất khẩu qua chuỗi bán lẻ Nhật Bản Aeon cũng đạt 250 triệu USD/năm. Con số này được dự kiến sẽ nâng lên 1 tỷ USD vào năm 2025. MM Mega Mark cũng phấn đấu mỗi tuần xuất khẩu 10 container hàng hóa từ Việt Nam đi thế giới.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), cho biết Bộ Công thương đang rất tích cực đi mở đường, cụ thể đã mở tới 17 thị trường thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), để hàng hóa Việt Nam thuận lợi tiến vào siêu thị nước bạn. Tuy nhiên trong quá trình tiếp xúc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Phú cho biết có 2 vấn đề còn tồn tại.
Thứ nhất là sản lượng sản xuất của các doanh nghiệp của chúng ta về cơ bản vẫn ở dạng sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, không đạt được quy mô thương mại. Khi tiếp cận được khách hàng và họ đặt mua số lượng có thể phủ được hệ thống siêu thị, nhưng sản lượng các doanh nghiệp Việt không đủ.
“Lúc tôi còn làm việc ở Thương vụ Việt Nam tại Bỉ, có doanh nghiệp ở Bắc Âu nói rằng mỗi tháng họ cần nhập 50 container sữa dừa. Tôi đã điện về tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận để hỏi nhưng không thể nào tìm được 50 container sữa dừa mỗi tháng. Cuối cùng khách hàng phải tìm sang Philippines”, ông Phú nêu ví dụ.
Thứ hai, mặc dù thị trường đã mở nhưng không phải vì thế hàng hóa có thể tự động vào được. Để vào được các hệ thống siêu thị, các sản phẩm, đặc biệt là nông sản, thực phẩm phải đạt được các tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm, kế đến là tiêu chuẩn của các nhà nhập khẩu.
“Điều này thực sự là một thách thức cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong bối cảnh đó, mặc dù chúng tôi giải thích, truyền thông, hướng dẫn rất nhiều nhưng sự thay đổi của doanh nghiệp chưa khả quan”, ông Phú cho hay.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu – châu Mỹ cho biết châu Âu, châu Mỹ là thị trường trọng điểm của Việt Nam và cũng là thị trường đầu tiên ngành phân phối bán lẻ, phân phối bán buôn phát triển.
Cách đây khoảng 20 năm, Việt Nam đã xuất khẩu nhưng thường qua rất nhiều khâu trung gian mới tới thị trường này. Chỉ đến khi hệ thống phân phối nước ngoài ở Việt Nam phát triển mới có thể xuất khẩu qua kênh đó. Tức trực tiếp người sản xuất, nhà xuất khẩu đến bộ phận thu mua của hệ thống phân phối.
Đây là cơ sở để cách đây 7 năm, Bộ Công thương có đề án phát triển hình thức xuất khẩu hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài. Tháng 11/2022, Thủ tướng tiếp tục ban hành quyết định tiếp tục phát triển chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các hệ thống phân phối nước ngoài đến năm 2030.
Bà Hiền cho biết, hiện Bộ Công thương đang phối hợp cùng các địa phương sẽ kêu gọi hệ thống phân phối ở nước ngoài chung tay để từng bước lựa chọn sản phẩm, thực hiện các chiến lược marketing, làm sao hàng Việt lên kệ nhiều nhất trong các hệ thống phân phối. Trong tháng 6,8,9, Vụ này sẽ liên tục tổ chức các chương trình tuần hàng Việt tại hệ thống siêu thị Aeon tại Nhật Bản, Centrail ở Thái Lan hay một loạt hệ thống siêu thị tại Pháp như Carrefour, Leclerc…
“Tháng 9 thay vì tổ chức các sự kiện quảng bá hàng Việt tại nước ngoài thì chúng tôi mời các bộ phận thu mua của các tập đoàn trên thế giới về Việt Nam tham dự chuỗi sự kiện kết nối hàng hóa Việt Nam. Việc doanh nghiệp quản lý được nguồn cung và chất lượng nguyên liệu là yếu tố quyết định thành công của hình thức xuất khẩu này”, bà Hiền cho biết.
Còn ông Lê Biên Cương, Phó Vụ trưởng Vụ trường châu Á- châu Phi cho biết trong năm ngoái, xuất khẩu sang khu vực này đạt 182 tỷ. Mục tiêu năm 2023 đạt 200-210 tỷ để đạt tốc độ tăng trưởng 10-15%. Trước kế hoạch, vụ Á Phi đặt ra mục tiêu giữ tốc độ xuất khẩu, xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường.
“Làm sao đảm bảo hàng xuất khẩu xanh, sạch, tuần hoàn và cuối cùng là giải quyết các khó khăn không để hàng hóa ứ đọng, ùn tắc tại cửa khẩu, bến cảng”, ông Cương nhấn mạnh.