Xuất khẩu: Con số lớn chưa hẳn là tăng trưởng tốt
(DNTO) - Theo chuyên gia, nếu tăng trưởng xuất khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI hoặc do các doanh nghiệp “mượn đường” để né các cuộc điều tra nguồn gốc xuất xứ, thì vẫn chưa thực sự bền vững.
Năm ngoái, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so năm trước đó. Trong đó xuất khẩu đạt 371,9 tỷ USD, tăng 10,6%. Tuy vậy, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm phần đa trong hoạt động xuất nhập khẩu năm ngoái (74,4%). Trong 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 108,57 tỷ USD và khu vực FDI vẫn chiếm tới 73,7%.
Chia sẻ trong toạ đàm và tái cơ cấu ngành công thương sáng 12/5, TS Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương), cho biết đã đến lúc không chỉ nhìn vào giá trị kim ngạch xuất khẩu, mà phải nhìn vào giá trị gia tăng khi xuất khẩu, tập trung vào những mặt hàng Việt Nam có giá trị cao, các ngành công nghiệp nền tảng, các mặt hàng Việt Nam có lợi thế, mang lại giá trị từ doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hiện có 60.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, chiếm tỷ lệ trên 5% tham gia vào chuỗi xuất khẩu. Doanh nghiệp vừa và nhỏ có đóng góp quan trọng trong xuất khẩu nông lâm thủy sản nhờ xây dựng được chuỗi giá trị và xuất khẩu ổn định ra thị trường thế giới.
Tuy vậy, TS Hội cũng thừa nhận xuất khẩu của Việt Nam còn thiếu bền vững vì còn nhiều sản phẩm phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI như điện tử, thiết bị phụ tùng…
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu mặc dù cũng phản ánh một phần sự tăng trưởng và hội nhập của nền kinh tế, nhưng không cho thấy nhiều về tốc độ tăng trưởng.
Bởi thực tế, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Mỹ đang tăng cường chống gian lận xuất xứ và hàng rào kĩ thuật khác. Đôi khi việc tăng tổng kim ngạch thương mại lại là do các doanh nghiệp từ nước khác “mượn đường”. Điều này không có lợi cho cả nền kinh tế đất nước và hội nhập.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, trong năm ngoái, chiếm tỷ lệ cao nhất là công nghiệp chế biến với 89%, sau đó là nông lâm thủy sản chiếm 9,6% và cuối cùng là nhóm nhiên liệu, khoảng sản chiếm 1,4%. Trong 4 tháng đầu năm nay, nhóm nông lâm thủy sản chiếm 8,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên theo TS Nguyễn Minh Phong, đôi khi công nghiệp không tạo ra nhiều giá trị gia tăng lớn bằng nông nghiệp. Bởi theo cơ cấu xuất nhập khẩu, nông nghiệp là ngành tạo ra xuất khẩu ròng tốt nhất.
“Các doanh nghiệp nội địa trong những ngành khác chủ yếu nhập siêu, riêng nông nghiệp xuất siêu. Đặc biệt công nghiệp chế biến trong nông nghiệp tạo ra xuất siêu rất lớn, kể cả công nghiệp chế biến gỗ cũng tạo ra giá trị gia tăng cao. Tức là những ngành nhiều khi doanh nghiệp vừa và nhỏ làm nhưng tạo giá trị gia tăng cao dựa trên lao động tay nghề và quy trình chế biến từ gỗ thô thành các sản phẩm rất tinh tế, giúp giá trị xuất khẩu tăng cao. Đó là những yếu tố thể hiện tăng trưởng của xuất nhập khẩu”, ông Phong nêu ví dụ.
Cũng theo vị chuyên gia này, nếu xuất khẩu dựa nhiều vào doanh nghiệp FDI sẽ không bền vững. Ví dụ trong quý 1 vừa qua, tổng sản phẩm xuất khẩu của Bắc Ninh giảm hơn 11% do doanh nghiệp FDI là Samsung không xuất khẩu được. Như vậy rủi ro khi phụ thuộc quá mức vào một thị trường, một sản phẩm hay một trụ cột kinh tế.
“Trong khi đó nông nghiệp vẫn tăng trưởng tốt. Thậm chí ai đó có gạo dự trữ tốt thì hiện nay thị trường với giá tăng hơn 10% và nhu cầu tăng rất mạnh là cơ hội tốt”, ông Phong nói.
Về việc phát triển công nghiệp, theo TS Phong, phải dựa trên nền tảng và những lợi thế sẵn có Việt Nam. Ví dụ ta có sản phẩm nông sản với sản lượng cao có thể phát triển công nghiệp chế biến để tăng giá trị sản phẩm. Như cà phê hiện chủ yếu xuất thô, 150.000 – 200.000 đồng/kg, nhưng nếu chế biến thành các thương hiệu thì có thể bán gấp 10 lần.
Hay phát triển công nghiệp chế biến thủy sản, công nghiệp chế tạo tàu, vừa hỗ trợ cho phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, vừa hỗ trợ phát triển cho nông nghiệp, vừa tạo ra lưỡng dụng giữa quân sự và quốc phòng.
“Chúng ta phải lựa chọn những trọng điểm phát triển, quan điểm phát triển bám sát thực tiễn như vậy mới hiệu quả, không dựa vào cho – nhận của nước ngoài”, ông Phong nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho biết muốn phát triển công nghiệp trong nước cần có chính sách thuận lợi để đội ngũ doanh nghiệp tư nhân có điều kiện đầu tư và phát triển khoa công nghệ một cách tự chủ. Bởi trong các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, có một yêu cầu rất mới là không được phép sử dụng điều kiện buộc chuyển giao công nghệ như một điều kiện để tiếp nhận FDI.
“Do đó, chuyện chúng ta có thể mặc cả anh phải chuyển giao cho tôi công nghệ, tôi mới cho anh ưu đãi đã không còn nữa. Chúng ta đã bỏ qua giai đoạn đó mà hiện nay phải sử dụng công cụ thị trường tốt hơn, phải phát triển mạnh các doanh nghiệp trong nước để trở thành đối tác bình đẳng trong việc chuyển giao công nghệ”, TS Phong cho hay.