‘Đại bàng’ FDI bành trướng, ngành công nghiệp điện tử phát triển mất cân đối
(DNTO) - 88% linh kiện điện thoại nhập Trung Quốc, 70% sản xuất công nghiệp điện tử là sản xuất điện thoại do doanh nghiệp FDI thực hiện, gây mất cân đối trong phát triển công nghiệp điện tử nước ta.
Mất cân đối cả trong sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu
Chia sẻ trong Triển lãm chuyển đổi công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (ITAP) 2023, ngày 10/5, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết nhiều “ông lớn” điện tử đang chuyển dịch dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để sản phẩm điện tử Việt Nam có mặt ở nhiều thị trường khác nhau trên thế giới.
“Từ đầu năm đến nay, VEIA tiếp đón rất nhiều đoàn doanh nghiệp đến từ Đông Âu, Nga… mong muốn tìm kiếm sản phẩm điện tử chất lượng từ Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp điện tử trong nước”, bà Hương nói.
Tuy nhiên, đại diện VEIA cho rằng để doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì còn chặng đường dài. Bởi ngành công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển mất cân đối, chủ yếu dựa vào sản xuất điện thoại (70%). Trong khi đó, thị phần sản xuất, xuất khẩu linh kiện điện thoại chủ yếu thuộc về doanh nghiệp FDI là Samsung và Apple.
Xuất khẩu hàng linh kiện, điện thoại của Việt Nam chủ yếu tới 2 thị trường là Mỹ và Trung Quốc. Trong khi việc nhập khẩu linh kiện điện thoại cũng mất cân đối khi 88% nguồn cung phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa chủ yếu là quy mô vừa và nhỏ, đang phải đối diện với nhiều thách thức như lợi nhuận giảm, tăng trưởng chậm, khó khăn về vốn…Ngoài ra, chính sách phát triển công nghiệp điện tử của ta còn chưa theo kịp thực tế như quy định xuất, nhập hàng; kê khai thuế, sắp tới là những kê khai sản xuất xanh. Hạn chế về nguồn nhân lực và việc tiếp thu và chuyển giao công nghệ cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành điện tử.
Các doanh nghiệp ngày càng phải có trách nhiệm cao hơn về sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ sau đại dịch với xu hướng chính là thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, bên cạnh chất lượng sản phẩm, bà Hương khuyến nghị doanh nghiệp điện tử nên xem xét sản xuất các sản phẩm có tính ứng dụng cao, mức giá cạnh tranh để thu hút khách hàng.
Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử của châu Á
Chia sẻ trong triển lãm ITAP, ông Darren Seah, Giám đốc khối đầu tư và chuyển đổi công nghiệp của Công ty Constellar Exhibitions, đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm, cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm sản xuất điện tử không chỉ ở Đông Nam Á mà của cả châu Á.
Bởi Việt Nam hiện đang là điểm đến của hàng loạt doanh nghiệp điện tử lớn như Samsung, Intel, Apple, LG, Canon… Việt Nam cũng đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ ngành điện tử và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tại thị trường Mỹ, vào tháng 2 vừa qua, nước này đã tăng nhập khẩu chip từ các thị trường mới nổi châu Á. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 563 triệu USD, tăng 75% về lượng và đứng thứ 3 về giá trị xuất khẩu chip sang Mỹ, chủ yếu đến từ sản xuất chip của Intel Việt Nam. Cũng nhờ nguồn cung chip từ Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và Thái Lan mà Mỹ đã đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip, giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp truyền thống là Malaysia.
Hay đối tác sản xuất linh kiện cho Apple tại Việt Nam, trước đây chỉ sản xuất tai nghe thì nay đã đặt hàng sản xuất các sản phẩm cao cấp hơn như máy tính bảng, máy tính để bàn... Hay trong lĩnh vực sản xuất chip, một số đối tác của Apple cũng đang xem xét đặt nhà máy tại Việt Nam.
“Xu hướng tìm kiếm các địa điểm sản xuất về điện tử để thay thế thị trường truyền thống như Trung Quốc diễn ra ngày càng mạnh hơn trên toàn cầu. Đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt có thể hợp tác và nắm bắt dòng sản xuất từ những doanh nghiệp nước ngoài có ý định đặt trụ sở tại Việt Nam, để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Darren Seah nhấn mạnh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh sản xuất xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế toàn cầu, theo ông Darren Seah, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam cũng cần thay đổi chiến lược phát triển để giảm lượng phát thải CO2 trong quá trình sản xuất.
Muốn vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải chú trọng đầu tư và mở rộng sản xuất xanh, kiểm soát chất lượng và kết nối với các đối tác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia để nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm.