Lần đầu tiên trong 12 năm qua, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp về âm
(DNTO) - Ngay cả trong 2 năm đại dịch, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp vẫn dương. Quý 1/2023, lần đầu tiên chỉ số này giảm sâu nhất trong hơn thập kỷ qua.
Tác động từ việc đơn hàng sụt giảm
Báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại quý 1/2023 của Bộ Công thương vừa công bố cho thấy bức tranh khó khăn của nền kinh tế thế giới và trong nước.
Cụ thể, quý I/2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Tốc độ tăng/giảm giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý I so với cùng kỳ năm trước các năm trong giai đoạn 2011-2023 lần lượt là: 8,37%; 7,40%; 3,81%; 4,14%; 8,38%; 6,05%; 3,84%; 8,88%; 8,13%; 4,48%; 5,93%; 7,16%; -0,82%.
Theo Bộ Công thương, nguyên nhân chủ yếu là do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng; ngành sản xuất và phân phối điện giảm. Trong quý I/2023, công nghiệp chế biến, chế tạo không còn đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế khi giá trị tăng thêm của ngành giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Ngay từ đầu năm, năng lực sản xuất của nền kinh tế đã có dấu hiệu suy yếu với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng đầu năm giảm 14,6% so với tháng trước đó và giảm 8% so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng 1ít hơn các năm trước đó vì trùng 2 dịp nghỉ Tết.
Bước sang tháng 2, do tổng cầu từ nước ngoài suy giảm tác động đến số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp. Sang tháng 3, mặc dù sản xuất công nghiệp có sự phục hồi so với tháng trước, tăng 9,6% nhưng so với cùng kỳ có sự giảm nhẹ, giảm 1,6%. Tính chung quý đầu năm, IIP giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,8%).
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực quý I giảm so với cùng kỳ năm trước như ô tô; thép thanh, thép góc; xe máy; linh kiện điện thoại; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động; quần áo mặc thường; xi măng; phân Urê; khí đốt thiên nhiên dạng khí.
“Nhìn chung, tình hình suy giảm kinh tế toàn cầu nhanh hơn dự kiến, tổng cầu từ nước ngoài suy giảm mạnh khiến đơn hàng sụt giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp Quý I năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước”, Bộ Công thương nhận định.
Khó khăn còn tiếp diễn
Bộ Công thương cho biết, theo đánh giá của Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53, kinh tế thế giới năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái, tăng trưởng GDP năm 2023 dự báo thấp hơn năm 2022 khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.
Kinh tế Mỹ và EU là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023.
Giá lương thực và vật tư nông nghiệp ổn định ở mức cao là thách thức nghiêm trọng đối với các nước đang phát triển, giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraina và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc.
Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây nhất, khó khăn của nhiều ngân hàng trên thế giới, của các của các Ngân hàng ở châu Âu, điển hình là sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) nếu kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam...
“Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài”, Bộ Công thương cho hay.