Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: ‘Tác động đến tăng trưởng kinh tế nhanh nhất có thể từ quý 3’
(DNTO) - Theo TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Đại học Kinh tế TP. HCM), việc NHNN giảm lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế. Theo đó, như một đoàn tàu đang chạy nhanh nhưng bị thắng đột ngột, đoàn tàu kinh tế cũng cần một thời gian để tái tạo đà tăng trưởng và nhanh nhất có thể từ quý 3 này.
“Tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế”
Chiều muộn 31/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin về việc điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, theo đó, cơ quan này cùng lúc đưa ra 5 quyết định giảm lãi suất như lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5%; trần lãi suất huy động giảm 1%; lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng cho một số lĩnh vực giảm 0,5%...
Đây là lần điều chỉnh giảm thứ 2 trong vòng một tháng của phía NHNN, một minh chứng rõ cho sự “mạnh tay” và có phần “ngược chiều” của nhà điều hành trong bối cảnh Fed vừa tăng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới cũng cùng chung động thái. Có thể thấy, phía NHNN phát đi thông điệp khá rõ ràng về đảo ngược chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn.
“Điều này theo tôi sẽ có tác động tích cực tới triển vọng nền kinh tế nói chung”, TS Nguyễn Hữu Huân nhận định khi trao đổi với Tạp chí Doanh Nhân Trẻ Việt Nam.
Theo phân tích của ông, các chỉ số kinh tế vĩ mô trong quý đầu năm thực sự là một cú sốc khi tăng trưởng chỉ khoảng 3,3% và lạm phát gần chạm mức chỉ tiêu đề ra của Quốc hội trong năm nay. Điều này cho thấy nền kinh tế đang bị tác động của các chính sách thắt chặt tiền tệ thời gian qua.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng đang rơi vào mức thấp kỷ lục. Dù các tổ chức tín dung đã cấp room mới trong năm 2023 nhưng mức độ giải ngân chưa được như kỳ vọng vì mức lãi còn cao, người dân và doanh nghiệp không mặn mà khi sức cầu yếu từ nền kinh tế khiến họ không có nhu cầu vay vốn.
“Chính vì thế việc khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế là nhiệm vụ bắt buộc để vực dậy nền kinh tế. Ngoài ra, nhờ tỷ giá ổn định thời gian qua cũng đã giúp tạo dư địa để NHNN có thể mạnh tay trong việc giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn”, TS Huân chia sẻ.
Tuy nhiên, tác động của chính sách giảm lãi suất đến tăng trưởng nền kinh tế luôn có độ trễ. Ví dụ chúng ta thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm 2022 thì năm 2023 sẽ nhìn thấy những ảnh hưởng.
“Hiện tại, độ trễ từ chính sách tiền tệ đến nền kinh tế dự báo phải khoảng từ một đến hai quý. Do đó, chính sách giảm lãi suất vừa qua của NHNN có thể phát huy tác dụng nhanh nhất là từ quý 3 này. Và như một đoàn tàu đang chạy nhanh phải thắng lại đột ngột, đoàn tàu kinh tế cần một thời gian dài để tạo lại đà tăng trưởng”, TS Huân cho biết.
“Nên hy sinh một phần tỷ giá và lạm phát để vực dậy nền kinh tế”
Năm 2008, Việt Nam đã có mức tăng trưởng 8% và phải mất tới 15 năm Việt Nam mới quay lại mức 8% trên trong năm 2022. Và để tiếp tục giữ vững con số ý nghĩa trên trong năm nay là điều hết sức quan trọng. Theo đó, chúng ta cần làm nhiều hơn và có nhiều giải pháp đồng bộ hơn để vực dậy nền kinh tế.
Theo ông Huân, “Xem xét trên góc độ tỷ giá và dòng vốn, khi dòng vốn có dấu hiệu đảo chiều thì nhà điều hành cần cân nhắc hạn chế việc giảm lãi suất. Nhưng ở thời điểm hiện tại, theo tôi, nên hy sinh một phần tỷ giá và lạm phát để vực dậy nền kinh tế nếu như chúng ta không muốn tụt hậu với các nước trong khu vực”.
Năm nay khả năng Việt Nam sẽ là nền kinh tế lớn thứ 3 của Đông Nam Á nếu như tăng trưởng phải đạt trên 6,5%. “Và theo tôi, Việt Nam cũng phải luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8% thì mới có thể đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế đã đề ra”, TS Nguyễn Hữu Huân nhận định.