2 ‘đầu kéo’ chính của nền kinh tế gặp nhiều thách thức
(DNTO) - Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Vì vậy, theo chuyên gia cần tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn ở cả phía cung và phía cầu.
Người dân giảm mua hàng xa xỉ, doanh nghiệp giảm mua nguyên liệu sản xuất
Hội nghị Thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 mới đây cũng tiếp tục dự báo về những khó khăn, suy thoái mà nền kinh tế thế giới năm 2023 đối mặt, với mức tăng trưởng dự báo thấp hơn năm ngoái khoảng 0,5-1% nếu không xảy ra yếu tố đột biến.
Bộ Công thương nhận định, với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những biến động toàn cầu. Trong đó, hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đang gặp nhiều thách thức.
Động lực đầu tiên là xuất khẩu. 2 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ đạt hơn 49 tỷ USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh, do những ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, niềm tin tiêu dùng thấp. Ngoài ra, các quốc gia nhập khẩu đang có đòi hỏi khắt khe hơn với các nhãn hàng, các tiêu chuẩn kỹ thuật không dễ vượt qua. Với hàng thủy sản, các doanh nghiệp nhập khẩu ở các thị trường lớn như Mỹ, EU, Anh, Nhật Bản… có xu hướng giảm lượng tồn kho để tối ưu hóa chi phí.
Cán cân thương mại 2 tháng đầu năm xuất siêu 2,82 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm trước nhập siêu hơn 300 triệu USD. Nhưng đây không phải tín hiệu mừng. Bởi theo chu kỳ những năm trước, các tháng đầu năm, cán cân thương mại luôn nhập siêu do các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng năm nay, tình hình này đảo ngược.
“Tình hình nhập khẩu nguyên liệu sụt giảm đến từ việc thiếu vắng các đơn hàng từ các thị trường chính, cho thấy hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn khó khăn”, Bộ Công thương nhận định.
Động lực thứ hai là tiêu dùng. 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, ước đạt 994.153 tỷ đồng. Sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
“Sức ép lạm phát, lãi suất tăng đã trực tiếp ảnh hưởng đến tiêu dùng các sản phẩm xa xỉ như ô tô, khi người dân không bảo đảm nguồn tài chính mua trả góp. Thói quen tiêu dùng trong đại dịch của một bộ phận người dân vẫn được duy trì đến thời điểm hiện tại. Người lao động mất việc nên có xu hướng thắt chặt chi tiêu với các sản phẩm xa xỉ, kể cả sản phẩm thông thường như dệt may, giày dép….”, Bộ Công thương cho biết.
Cần lực kéo cả ở phía cung và cầu
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, thực tế nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng tốt hơn mức dự báo vào cuối năm ngoái nên chúng ta vẫn có thể kì vọng. Tuy nhiên, nội tại của chúng ta đang có vấn đề.
Các doanh nghiệp gặp khó khăn do thị trường chứng khoán sụt giảm, từ đó vốn chủ sở hữu, vốn hóa sụt giảm. Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ gần như dừng lại, lãi suất tăng khiến doanh nghiệp thiếu vốn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn về đơn hàng.
“Rõ ràng, doanh nghiệp xuất khẩu giảm sản xuất thì rất nhiều doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng của họ cũng giảm, gây đình trệ trong quá trình sản xuất kinh doanh. Thiếu vốn cho đầu vào và thiếu đơn hàng cho đầu ra khiến nền kinh tế đang gặp phải những trở ngại nhất định”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Duy Bình, những khó khăn về tăng trưởng kinh tế hiện tại có thể ảnh hưởng đến mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2025. Bên cạnh đó, đầu tư tư nhân nước ngoài suy giảm, nên năm nay, nền kinh tế của nước ta dường như sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đầu tư công.
“Đây vừa là điểm tích cực nhưng cũng là một thách thức để kéo vốn đầu tư tư nhân quay trở lại, thúc đẩy nền kinh tế”, TS Bình nói.
Các chuyên gia cho biết, để nền kinh tế duy trì tăng trưởng, cần tập trung tháo gỡ 2 nút thắt, cả ở phía cung và phía cầu.
Nút thắt ở phía cung là làm thế nào để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất. Để gỡ, cần có giải pháp ổn định thị trường tài chính, tháo gỡ khó khăn về vốn như: rà soát để tiếp tục giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí. Song song với đó là các giải pháp về tiền tệ như hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp….
Nút thắt ở phía cầu là làm thế nào để thúc đẩy cầu nội địa và tập trung chi tiêu đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để kích cầu các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng, sắt thép…
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Cung cho biết, cần một chương trình hỗ trợ doanh nghiệp giống như chương trình phục hồi kinh tế, với mức giảm, miễn thuế sâu hơn thời gian trước.
“Nghị quyết 43 của Quốc hội nên kéo dài và tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng vì hiện nay sức cầu trong nước còn đang yếu. Trong khi đó, cầu trong nước gần như là quyết định cho tăng trưởng”, TS Cung nói.