Thấy gì qua bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm?
(DNTO) - Nhiều chỉ số của nền kinh tế trong 2 tháng đầu năm sụt giảm đã bộc lộ những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt.
Khó khăn chỉ là tạm thời
Bức tranh kinh tế 2 tháng đầu năm đã có những tín hiệu khả quan như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng 18,3% so với cùng kì; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,9% so với cùng kì 2019 – năm trước khi xảy ra đại dịch.
Bên cạnh những chỉ số tích cực, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 đầu năm của Tổng cục Thống kê vừa công bố cũng ghi nhận những thách thức qua nhiều chỉ số của nền kinh tế vĩ mô.
So với cùng kì, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3%; doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động giảm 11,2%; doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam giảm 38%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 10,4%; nhập khẩu giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 5,08%, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).
Nhiều quan điểm lo ngại cho rằng sự sụt giảm của nhiều chỉ số kinh tế quan trọng báo hiệu những thách thức không nhỏ ở cả nội tại cũng như tác động bên ngoài đến kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, với cái nhìn tích cực hơn, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết thực tế, 2 tháng đầu năm chưa phản ánh được nhiều hoạt động của nền kinh tế. Đặc biệt thời điểm này rơi vào thời gian nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, chỉ số kinh tế của Việt Nam vẫn tốt.
Trước hết, ngành nông nghiệp có tăng trưởng tốt cả về sản lượng cũng như xuất khẩu, đặc biệt khi Trung Quốc mở cửa toàn diện với Việt Nam, kim ngạch thương mại hai bên đã vượt 11 tỷ USD. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, số khách nước ngoài đến Việt Nam. Tính chung hai tháng đầu năm 2023 lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Từ cuối tháng 10/2022, hoạt động xuất nhập khẩu sụt giảm nhưng cuối tháng 1/2023, hoạt động xuất nhập khẩu đã quay trở lại và đang tạo ra đà để chúng ta có hi vọng để đạt con số 800 tỷ USD.
“Nếu rơi vào 2 tháng đầu năm, thì CPI năm nay vẫn tăng tương đối thấp và mặc dù lạm phát so với cùng kì tăng nhưng vẫn theo đà giảm chung so với các năm. Tháng 1 chỉ số này là 4,89% và tháng 2 đã giảm xuống 4,6%.
Như vậy, vẫn kì vọng đà lạm phát có thể suy giảm ở mức vừa phải, mặc dù cũng tính toán đến yếu tố có thể tăng một số dịch vụ công, giá điện nước, tăng lương, nhưng chúng tôi vẫn hi vọng trong quá trình chúng ta điều chuyển các hoạt động của nền kinh tế, việc kiểm soát vĩ mô vẫn tốt.
Mức sụt giảm về hoạt động công nghiệp 2 tháng qua vẫn có, nhưng trong tháng 2 đã quay trở lại tăng 5,1% so với tháng trước và tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy với số ngày làm việc ngắn, với mức độ tăng trưởng như vậy thì đây vẫn là dấu hiệu tốt chứ chưa phải vấn đề gì ghê gớm”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định.
Chờ đợi ‘cú hích’ từ đầu tư công
Năm 2023 cũng chứng kiến làn sóng đầu tư công mạnh mẽ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm. Tất cả các bộ ngành ra quân, Thủ tướng và những người đứng đầu bộ ngành đều thị sát các dự án trọng điểm để thúc đẩy đầu tư công.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, mục tiêu giải ngân hơn 700.000 tỷ đầu tư công trong năm nay là con số lớn, có thể giải quyết một khối lượng công ăn việc làm lớn.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đầu tư công kéo theo nhu cầu một số lượng lớn nguyên vật liệu, thiết bị máy móc, tạo ra xung lực cho các ngành nghề tăng trưởng và phát triển. Đây cũng là động lực thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng trong năm nay mà còn tháo gỡ những điểm nghẽn hạ tầng trong những năm tới.
“Tất nhiên không thể trông đợi một ngày hay một tháng mà cần có thời gian dần dần tác động. Chúng ta có thể hy vọng ngay trong tháng 3 này của quý 1 năm 2023 sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhiều ngành sản xuất trong nền kinh tế”, ông Thịnh cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, khó khăn của nền kinh tế chỉ là khó khăn tạm thời, các xung lực của nền kinh tế vẫn rất tốt. Ngay cả những nhân tố bên ngoài như thị trường các nước đã ấm hơn. Tăng trưởng của Mỹ, EU hiện đã tốt hơn so với những tháng cuối năm 2022. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhập được những sản phẩm giá rẻ hơn vì lạm phát đang giảm đi rất nhanh; đồng thời có khả năng đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường.
Mặc dù doanh nghiệp gặp khó khăn nhưng Chính phủ đã có động thái vào cuộc rất kịp thời và cương quyết. Thị trường chứng khoán đã được cơ cấu lại từ cách thức tổ chức thành lập công ty chứng khoán, thay đổi cơ chế lẫn cách thức quản lý để thị trường công khai, minh bạch và phát triển bền vững hơn. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành cổ phiếu bổ sung.
Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp cũng đang được sửa đổi để giúp doanh nghiệp có thể quay trở lại phát hành trái phiếu riêng lẻ, gỡ khó khăn về vốn.
Do nguồn vốn của doanh nghiệp vẫn có phụ thuộc lớn vào vốn tín dụng nên năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng có quyết định giữ mức tăng trưởng tín dụng từ 14-15% dù đây là con số tăng trưởng tương đối lớn.
“Đây cũng là quá trình chúng ta kích hoạt để tái cấu trúc thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công và có sự tăng trưởng đáng kể của hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Vì vậy, thị trường sẽ có hồi phục tốt hơn một số nhận định của các chuyên gia”, ông Thịnh nói.