Kinh tế châu Á hồi phục khi những cơn 'gió ngược' yếu dần
(DNTO) - Sau thời kỳ vất vả chịu đựng nhiều cơn “gió ngược”, viễn cảnh nền kinh tế châu Á đang trở nên sáng lạn hơn, tuy vẫn còn nhiều trở ngại lâu dài.
Những cơn “gió ngược” cản trở nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương trong năm qua đang bắt đầu yếu dần.
Thời gian qua, nền kinh tế toàn cầu đang trở nên thoải mái hơn, giá thực phẩm và xăng dầu có phần yếu dần, Trung Quốc mở cửa trở lại... là những sự kiện giúp nền kinh tế trong khu vực hồi phục.
Sức tăng trưởng của nền kinh tế châu Á được dự đoán sẽ tăng tốc lên 4,7% trong năm nay, dâng cao từ mức 3,8% trong năm 2022. Như thế, châu Á sẽ trở thành vùng kinh tế lớn năng động nhất thế giới và là một ngoại lệ trong tình cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại.
Các nền kinh tế đang phát triển của châu Á, sắp sửa bùng nổ 5,3% trong năm nay, sẽ là động lực đằng sau cho sự phát triển của toàn châu lục. Những nền kinh tế này đang vững bước đi lên sau khi các vấn đề về chuỗi cung ứng bắt đầu tan biến và ngành dịch vụ bùng nổ trở lại.
Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp hơn một nửa cho kinh tế toàn cầu, với phần còn lại của châu Á chiếm thêm ¼ nữa.
Các nước Campuchia, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đã quay trở lại mức phát triển mạnh mẽ như trước thời đại dịch Covid-19.
Sự thay đổi lớn nhất tại châu Á là việc Trung Quốc mở cửa trở lại.
Quốc gia này có nhiều mối quan hệ thương mại cũng như du lịch, nên việc họ mở cửa trở lại sẽ góp phần hỗ trợ nền kinh tế châu Á. Hơn một nửa hoạt động thương mại của châu Á chỉ diễn ra trong khu vực.
Phân tích từ Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho thấy, cứ mỗi 1% tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc, thì mức tăng của khu vực châu Á cũng sẽ đi lên 0,3%.
Tuy vậy, tình trạng của các nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Á lại không đồng đều. Viễn cảnh tầm gần của Nhật Bản đã trở nên tốt hơn, nhờ có sự hỗ trợ của nhiều chính sách, nhưng sức tăng trưởng được dự đoán sẽ giảm vào 2024, khi các chính sách hỗ trợ bị rút đi.
Hoạt động xuất khẩu vốn đã từng mạnh mẽ cũng đang trở nên nguội lạnh, do sức ép nền kinh tế toàn cầu chậm lại đang níu chân các đối tác thương mại.
Đối với Singapore, Đài Loan và Trung Quốc, mức thuyên giảm rõ rệt trong giá chip bán dẫn đang kéo xuất khẩu đi xuống - một tình trạng có thể kéo dài đến tận cuối 2023.
Lạm phát của châu Á trước đó đã làm lo ngại nhiều ngân hàng trung ương, nay đang có chiều hướng yếu dần. IMF dự đoán mức lạm phát sẽ quay trở lại mức mong muốn của các ngân hàng trung ương vào năm 2024.
Đồng đô la đã yếu dần so với các đồng tiền châu Á.
Nhờ có nhiều nỗ lực từ các ngân hàng trung ương, tỷ giá các đồng tiền châu Á đã vực dậy trở lại, nhiều trường hợp đã xoá bỏ được mức giảm của năm ngoái - cùng lúc giảm thiểu áp lực lên giá cả mặt hàng nội địa.
Vấn đề khan hiếm nguồn cung nhiêu liệu, hệ quả của cuộc chiến giữa Nga - Ukraine, cũng đang đi xuống, khiến chi phí vận chuyển và giá tiêu dùng thuyên giảm, gỡ bỏ nhiều áp lực lên lạm phát.
Ở mặt khác, vẫn còn rất nhiều thử thách lâu dài mà các nền kinh tế châu Á sẽ phải đối mặt.
Các chỉ số lạm phát cốt lõi vẫn còn đang ở mức cao, đòi hỏi các ngân hàng trung ương tiếp tục cẩn trọng. Những thay đổi điều chỉnh trong thời kỳ đại dịch vẫn còn đó, gây trở ngại cho điều chỉnh các chính sách tiền tệ.
Đại dịch Covid-19 cũng đã gây thâm hụt ngân sách cho nhiều nước, cộng với lãi suất cho vay cao, tạo ra nhiều gánh nặng cho nợ công.
Nhiều quốc gia châu Á đang đối mặt với tình trạng nợ nần chồng chất, cần có sự hỗ trợ từ các chính sách củng cố tài chính dài lâu.
Châu Á đang ở vào tình trạng dễ bị tổn thương về tài chính, với đòn bẩy tài chính cao từ hộ gia đình đến doanh nghiệp.
Các ngân hàng sẽ phải hứng chịu ảnh hưởng từ mức suy giảm đến từ ngành bất động sản. Chính quyền khu vực cần phải tìm đến các chính sách cân bằng giữa việc kiểm soát lạm phát và đảm bảo ổn định tài chính.