Cuộc ‘đại sa thải’ trong giới công nghệ: Việt Nam vẫn khó ‘đón lõng’ nhân tài
(DNTO) - Một bộ phận nhân sự sa thải từ các công ty công nghệ đang chuyển dịch sang các ngành nghề khác, nhưng nó mới chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia. Kỳ vọng làn sóng nhân sự chất lượng cao dịch chuyển từ Mỹ, châu Âu về Việt Nam vẫn rất mong manh.
Manh nha cuộc dịch chuyển mới
Chỉ trong vài tuần đầu năm, ít nhất 175 công ty công nghệ đã cắt giảm khoảng hơn 60 nghìn việc làm. Trong đó, các ông lớn công nghệ như Alphabet (công ty mẹ của Google), Microsoft, Amazon và IBM đã sa thải tổng cộng gần 44 nghìn nhân sự. Đây là đợt sa thải lớn nhất kể từ đại dịch, do giá cổ phiếu sụt giảm khi tốc độ tăng trưởng của các công ty chậm lại, niềm tin nhà đầu tư dao động trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
Làn sóng sa thải đã bắt đầu từ năm 2022, với hơn 150.000 nhân sự mất việc từ các “ông lớn” công nghệ, theo Layoffs.fyi. Các doanh nghiệp sau thời kỳ “tiền rẻ” đã nhanh chóng mở rộng hoạt động, để giờ đây lại phải vội vã tìm cách giảm chi phí khi lãi suất tăng, dòng vốn hẹp lại.
Nhưng, ở chiều ngược lại, cuộc “đại sa thải” cũng mang lại yếu tố tích cực cho nhiều công ty trong ngành “phi công nghệ” khi có cơ hội đón nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm ngoái, NH Industrial, nhà sản xuất máy móc tại Mỹ và Ý, đã thuê hơn 350 kỹ sư, trong đó nhiều người đến từ Amazon và Microsof, có tay nghề cao về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, để phục vụ kế hoạch mở rộng quy mô vào năm nay.
Caterpillar, nhà sản xuất thiết bị xây dựng lớn nhất thế giới có trụ sở tại Mỹ, cũng tích cực tuyển dụng các nhân sự công nghệ bị sa thải từ các tập đoàn lớn, cho mục tiêu lấp đầy 500 việc làm công nghệ mới. Năm 2022, số lượng nhân viên công nghệ của công ty tăng 30% so với năm trước đó.
Hi vọng đón nhân tài vẫn mong manh
Mặc dù cuộc “đại sa thải” đã mở ra một làn sóng chuyển dịch việc làm mới, nhưng nó mới chỉ diễn ra trong phạm vi quốc gia nhiều hơn khu vực và toàn cầu. Do đó, những kỳ vọng cho rằng “đại sa thải” này sẽ là cơ hội cho Đông Nam Á và Việt Nam đón nhân tài, vẫn còn rất mong manh. Bởi nền kinh tế và các doanh nghiệp ở khu vực này cũng không nằm ngoài sự khó khăn chung khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng. Ngay cả khi Việt Nam hiện là nền kinh tế có độ mở lớn nhất ASEAN.
Theo chuyên gia kinh tế TS Võ Trí Thành, hai vấn đề lớn nhất của nền kinh tế là công nghệ và tài năng. Cho đến nay, việc dịch chuyển con người vẫn là vấn đề gây tranh cãi và khó khăn nhất khi đàm phán, kể cả những hiệp định có cam kết rất cao như CPTPP hay EVFTA, vẫn né tránh vấn đề này.
Do việc dịch chuyển con người, dịch chuyển lao động vô cùng phức tạp nên theo TS Thành, các hiệp định hiện nay chỉ gắn với mở cửa một phần dịch vụ. Ngay cả việc xuất khẩu lao động ở Việt Nam vẫn chỉ thông qua các hiệp định song phương với các quốc gia chứ không phải nằm trong những hiệp định lớn. Kể cả trong khối ASEAN, có cam kết về tự do di chuyển lao động, nhưng điều kiện cũng rất ngặt nghèo.
“Người ta làm mọi cách để cản trở quá trình dịch chuyển thoải mái người tài, người giàu. Lý do rất đơn giản, nước giàu chỉ muốn nhận người tài, người giàu, không muốn nhận lao động nhập cư ít kĩ năng mà có thể tạo ra những vấn đề chính trị, xã hội. Nước nghèo sợ chảy máu chất xám, chảy máu vốn, con người. Cho nên rất khó. Ngay trong ASEAN cũng chỉ có một hiệp định liên quan đến lao động có kỹ năng mà điều kiện.
Năm 2015, cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập, rất nhiều hội thảo lo ngại rằng lao động có kĩ năng sẽ chạy hết sang Singapore. Đúng là có một số tác động như một vài startup sang Singapore đặt trụ sở, cơ bản do huy động vốn trong nước khó khăn. Còn dịch chuyển lao động kỹ năng trong ASEAN vẫn vô cùng hạn chế”, TS Thành phân tích.
Trong khi đó, để thu hút một lượng lớn nhất sự có tay nghề cao trong làng công nghệ thế giới, bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận chi trả cao hơn. Dù việc làm công nghệ đã qua thời kỳ thăng hoa, nhưng mức lương chi trả cho các nhân sự vẫn cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác.
Theo báo cáo 2022 của Adecco Việt Nam, mức lương cao nhất trong ngành công nghệ thông tin có thể lên tới 400 triệu đồng/tháng và thấp nhất là 15 triệu đồng/tháng.Trong khi đó, hơn 95% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng đang khó khăn trong hoạt động kinh doanh, “khát” vốn, nên khả năng thu hút nhân sự chất lượng cao vẫn hạn chế.
Chưa kể, các yếu tố ngoài lương khác rất quan trọng như điều kiện, môi trường kinh doanh của quốc gia, cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đi hay ở của các nhân tài công nghệ. Đó là lý do Mỹ hay Singapore luôn là quốc gia hấp dẫn đối với giới công nghệ trong nhiều năm nay thay vì những nơi khác của thế giới. Do đó, không dễ dàng để “đón lõng” làn sóng dịch chuyển nhân sự từ cuộc “đại sa thải” của làng công nghệ.