‘Tung’ các cụm công nghiệp để đón ‘đại bàng’
(DNTO) - Nhiều địa phương đang tốc lực đưa các cụm công nghiệp mới vào hoạt động để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tìm cách đổ vào Việt Nam.
Tạo động lực thu hút FDI
Khu công nghiệp Quang Châu – một trong những khu công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang, vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư mở rộng với quy mô 90 ha, nâng tổng quy mô diện tích của cả khu công nghiệp từ 426 ha lên thành 516 ha, vốn đầu tư 966 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay trước khi chủ trương mở rộng Khu công nghiệp Quang Châu được chấp thuận, hồi tháng 8, Tập đoàn Foxconn (một vệ tinh lớn của Tập đoàn Apple) đã ký biên bản ghi nhớ thuê lại 50,5 ha đất để mở rộng sản xuất, với quy mô vốn hơn 300 triệu USD.
Tại tỉnh Hải Dương, nơi các khu công nghiệp đã thu hút 241 triệu USD vốn FDI tính đến giữa tháng 10 năm nay, vượt 20% kế hoạch năm và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, cũng đang trong xu hướng đầu tư mở rộng các khu công nghiệp mới. Cụ thể, tỉnh này đang tốc lực cho triển khai các khu công nghiệp An Phát 1, Gia Lộc, Kim Thành và mở rộng 3 khu công nghiệp là Tân Trường, Đại An, Phúc Điền với tổng diện tích là 1.135 ha.
Thái Nguyên cũng vừa khởi công cùng lúc 3 cụm công nghiệp, gồm Tân Phú 1, Tân Phú 2 và Lương Sơn, với tổng diện tích gần 100 ha, tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng. Với vị trí chiến lược khi có trục kết nối giao thông với đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, các cụm công nghiệp trên được nhà đầu tư quy hoạch phát triển thành các cụm logistics thông minh, nhằm thu hút các dự án đầu tư có công nghệ hiện đại cho tỉnh.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước có 748 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng gần 24.000 ha đi vào hoạt động, thu hút được khoảng 13.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 315.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương (Bộ Công thương) nhận định, việc phát triển các cụm công nghiệp thời gian qua đã góp phần thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo ra giá trị gia tăng cao. Đây là động lực thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của các địa phương theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Tháo nút thắt cơ chế
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng thẳng thắn nhìn nhận, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp được ban hành từ năm 2017 đã bộc lộ khó khăn, đến lúc phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với tình hình thực tế…
Đó cũng là một trong những lý do khiến một số địa phương thời gian qua khó khăn khi lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội khi các “đại bàng” đến khảo sát.
Đơn cử tại Thanh Hóa, năm 2020, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như Exxon Mobil (Mỹ), Mintal (Hồng Kông), Fangda (Trung Quốc), INTCO (Singapore)… và các tổ chức các tổ chức JICA (Nhật Bản), KOIKA (Hàn Quốc)... đã nhiều lần đến địa phương để khảo sát, nhưng tới nay, chưa có tập đoàn nào lựa chọn để “xây tổ”.
Vị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cũng thừa nhận, ngoài khó khăn chung liên quan đến dịch bệnh và biến động kinh tế thế giới, thì việc thiếu cơ sở kết cấu hạ tầng công nghiệp vẫn là trở ngại trong thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, Thanh Hóa hiện đang tốc lực để hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng, xây dựng sẵn các "tổ "để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến thuê đất, đầu tư sản xuất kinh doanh..
Để đẩy nhanh quá trình tháo nút thắt về cơ chế, thời gian gần đây, Bộ Công thương liên tục phải tổ chức các cuộc họp với các cơ quan liên quan, địa phương, chuyên gia để lắng nghe những góp ý cải thiện cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thời gian qua, Nghị định 68, Nghị định 66 đã góp phần thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, nhưng quá trình thực thi, có một số nội dung phát sinh sự chồng chéo đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, Bộ Công thương sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp và định hướng sửa đổi. Đối với công tác quy hoạch, Bộ cho biết sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ, đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính.
“Nội dung thành lập cụm công nghiệp cơ bản sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.Hướng mới trong nội dung sửa đổi, bổ sung là coi trọng yếu tố phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên đất ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.