'Giải bài toán' liên kết vùng để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp, hợp tác xã
(DNTO) - Trong bối cảnh thế giới và Việt Nam còn nhiều biến động, nhất là sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã cho thấy “bài toán” liên kết vùng còn nhiều bất cập, đòi hỏi các nhà quản lý, nghiên cứu và chuyên gia… phải cùng nhau tìm ra “kim chỉ nam”, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, trong liên kết vùng và kết nối tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX, vai trò của các bên tham gia hợp tác, liên kết trong chuỗi giá trị nông sản vẫn còn nhiều hạn chế.
“Còn gần 70% hợp tác xã nông nghiệp chưa tham gia tiêu thụ nông sản, chưa làm được vai trò cầu nối nông dân với doanh nghiệp, một số HTX có tham gia nhưng cũng ở mức độ, quy mô hạn chế”, ông Thịnh chia sẻ.
Không những vậy, hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân chưa bền vững, chủ yếu vẫn là thỏa thuận mua bán, tổ chức các vùng nguyên liệu đạt chuẩn về chất lượng, sản xuất theo hợp đồng gắn với thị trường tiêu thụ diễn ra chậm. Việc tiêu thụ sản phẩm còn qua nhiều trung gian, hiệu quả kinh tế không cao.
“Việc thiếu “nhạc trưởng” đứng ra điều phối khiến nhiều địa phương nằm trong mắt xích liên kết, sau khi hô hào liên kết hợp tác với nhau nhưng sau đó đã quay ra tổ chức các hoạt động riêng như thể “một mình một mâm”, ông Thịnh cho biết.
Theo ông Thịnh, đã đến lúc việc liên kết từng vùng, miền cũng như liên kết doanh nghiệp và HTX phải ngồi lại một lần nữa, dưới sự cầm trịch của một “tư lệnh cấp cao”, của “nhạc trưởng” đủ điều sức các mối quan hệ, thì lúc ấy mới đưa ra được chương trình hợp tác cụ thể, mới thắt chặt được liên kết “bốn nhà”.
Theo các chuyện gia, hiện nay tình trạng nông sản Việt Nam sản xuất ra chưa theo kịp tín hiệu thị trường (ở tất cả các khâu: trồng trọt, chế biến, dự trữ, bảo quản, logicstics..), cùng với việc thói quen của đại bộ phận người tiêu dùng là thích đồ tươi sống, mua bán linh hoạt, giá bán cạnh tranh hơn…, khiến cho thị trường tiêu thụ nông sản chưa bền vững.
Để giải quyết được vấn đề này, ông Dương Thái Trung, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, cần tăng cường nguồn lực để thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguốn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản. Bảo đảm vận hành tốt các kênh trực tiếp và online, tạo điều kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng.
Đứng ở góc độ của một chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh, với bất cứ quốc gia nào, hệ thống giao thông cũng có vai trò rất quan trọng trong việc kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và đáp ứng nhu cầu đi lại của con người, là yếu tố đảm bảo cho mối quan hệ kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng và địa phương. Vì vậy, việc huy động nguồn lực tài chính phát triển hạ tầng giao thông, đẩy mạnh liên kết vùng cũng rất quan trọng.
"Vấn đề đặt ra là cần giải bài toán huy động vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng. Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nói chung và vốn ODA; tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong những dự án huy động vốn từ thị trường trái phiếu. Đẩy mạnh liên kết vùng, nhất là liên kết hạ tầng giao thông, du lịch, chế biến, logistics, chuỗi giá trị công nghiệp - nông nghiệp…", TS. Lực chia sẻ.