Đầu tư trực tiếp nước ngoài kỳ vọng những tháng cuối năm 2022
(DNTO) - Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng năm 2022 hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Điểm sáng nổi bật là vốn FDI thực hiện tại Việt Nam tăng 16,3% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng các năm từ 2018-2022, tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký ghi nhận kỷ lục đạt 82,3%.
Điều này khẳng định rõ niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, và tiếp tục mở rộng đầu tư khi Việt Nam thực hiện các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn và chủ trương mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần hai năm hạn chế bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, có thể coi là một bước đột phá trong vấn đề điều chỉnh hoạt động đầu tư tại Việt Nam, cho tới nay đã phản ánh kết quả tích cực từ thực hiện Luật mới.
Tuy nhiên, vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 35,1% so với cùng kỳ xuống còn 1,9 tỷ USD trong tháng 9. Trong 9 tháng 2022, vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 18,7 tỷ USD.
Cụ thể hơn, 1.355 (+11,8% so với cùng kỳ) dự án cấp phép mới trong 9 tháng 2022 với vốn đăng ký 7,1 tỷ USD, giảm 43,0% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021; 769 dự án (+13,4% so với cùng kỳ) được cấp phép trong các năm trước đã được phê duyệt điều chỉnh vốn đầu tư (FDI tăng thêm) với tổng vốn tăng thêm 8,3 tỷ USD (+29,9%); 2.697 lượt (-4,7%) vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị phần vốn góp là 3,3 tỷ USD (+1,9%).
Mức giảm vốn FDI đăng ký trong 9 tháng 2022 chủ yếu là do cùng kỳ năm ngoái, một số dự án có quy mô rất lớn đã được ghi nhận, cụ thể là nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Long An 1, 2 (LNG) trị giá 3,1 tỷ USD và nhà máy nhiệt điện Omon 2 trị giá 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, dự án FDI đăng ký lớn nhất trong 9 tháng 2022 là nhà máy sản xuất đồ chơi của Lego, trị giá 1,3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang tạm dừng kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất mới trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu bất ổn, bao gồm: Tăng trưởng toàn cầu chậm lại; lạm phát tăng cao đè nặng lên ví tiền của người tiêu dùng; USD tăng giá mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của các thị trường mới nổi và thị trường cận biên; thanh khoản thị trường tài chính toàn cầu bị thắt chặt do Fed tăng lãi suất.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích thị trường tin rằng, sự sụt giảm vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ không kéo dài lâu và dự kiến sẽ phục hồi trở lại từ năm 2023. Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI quốc tế trong thời gian tới, bao gồm chi phí lao động rẻ, vị trí địa lý thuận lợi (gần trung tâm sản xuất ở miền nam Trung Quốc), sự ổn định chính trị và hưởng nhiều ưu đãi từ các hiệp định FTA (Hiệp định thương mại tự do).
"Chúng tôi thấy rằng đã có một số ông lớn công nghệ toàn cầu đánh tiếng sẽ đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam trong thời gian tới. Một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới có ý định chuyển một phần dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam trong thời gian tới. Ví dụ, Apple đang có kế hoạch sản xuất IPhone và IPad tại Việt Nam trong khi Google đang có kế hoạch chuyển một phần dây chuyền sản xuất điện thoại di động (Google Pixel 7) sang Việt Nam. Hơn nữa, hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc là Xiaomi và OPPO cũng có ý định thiết lập các hoạt động sản xuất tại Việt Nam", các chuyên gia nhận định.
Ngoài ra, những điểm sáng về cải thiện môi trường kinh doanh, sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 9 tháng năm 2022 là cơ sở để nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư và vị thế kinh tế của Việt Nam, dự báo kết quả đầy triển vọng của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022.