Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: Từ thất bại trên sân nhà cho đến chuỗi cung ứng cấp 1 cho Samsung
(DNTO) - Việt Nam đang dần trở thành căn cứ điểm sản xuất hấp dẫn các ông lớn trong ngành công nghiệp toàn cầu, như Samsung, Apple, Boing, dù cách đây gần chục năm, chúng ta vẫn chưa đáp ứng được linh kiện đơn giản nhất.
Cơ hội từng vuột mất
Còn nhớ năm 2014, khi chuẩn bị để sản xuất sản phẩm điện thoại GalaxyS4 và máy tính bảng Tab, Tập đoàn Samsung đưa ra danh sách 170 phụ kiện mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cung ứng. Tuy nhiên lúc đó, không một đơn vị công nghiệp hỗ trợ nào của Việt Nam có thể đáp ứng, dù chỉ là những linh kiện đơn giản nhất.
Doanh nghiệp của ta phải ngậm ngùi bỏ lỡ cơ hội trở thành nhà cung ứng cho một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, chấp nhận chịu thua ngay trên sân nhà, nhường cơ hội cho những đối thủ.
Nhưng, chỉ một năm sau, có 4 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể trở thàn nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung, và từ đó đến nay, danh sách này tăng dần, lên tới 42 doanh nghiệp. Số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng đạt tới con số 170. Còn nếu tính doanh nghiệp tham gia vào mạng lưới cung ứng cho Tập đoàn này thì con số lên tới 240.
Thế nên, dù trong đại dịch, Samsung vẫn quyết định rót 220 triệu USD để xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á, đặt tại Việt Nam. Điều này một lần nữa khẳng định ông lớn sản xuất đang nhìn thấy nhiều tiềm năng ở Việt Nam và đặt tham vọng biến nơi đây trở thành căn cứ điểm sản xuất toàn cầu của tập đoàn.
Không chỉ Samsung, nhiều gã khổng lồ trong làng sản xuất thế giới cũng hướng con mắt của mình về Việt Nam. Đó là Foxconn với việc mở 2 nhà máy sản xuất iPad, AirPods, như là một nỗ lực để Apple dịch chuyển các nhà máy sản xuất sản phẩm Macbook, Apple Watch từ nước ngoài về Việt Nam.
Hay Intel, Amkor Technology cũng tích cực tăng đầu tư sản xuất các thiết bị, linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Panasonic, Boing và Bosch cũng đặt kỳ vọng về việc Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và đang mong muốn Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế chính sách để mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam hiện đã có khoảng 5.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp linh kiện phụ tùng cho nhóm ngành hàng ô tô, cơ khí. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,69%, đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế… Có thể nói những năm qua, sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những hiệu quả rõ nét.
Giải bài toán về vốn
Mặc dù ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã có những bước tiến trong thời gian qua, nhưng để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, kinh tế trong giai đoạn tới, vẫn cần sự bứt phá. Chính ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, con số 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu là còn chưa lớn và cho thấy mối liên kết giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp FDI chưa chặt chẽ.
Nguyên nhân vẫn là do dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ, chưa đảm bảo sản xuất ở quy mô lớn để các sản phẩm công nghiệp có thể cạnh tranh về giá với các đối thủ khác. Trong khi đó, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ muốn đầu tư mở rộng sản xuất nhưng lại yếu về tài chính. Vì thiếu vốn đầu tư nên chất lượng nguồn nhân lực trong ngành còn hạn chế, công tác R&D (nghiên cứu và phát triển) sản phẩm mới cũng chưa được quan tâm, dẫn đến nội lực của ngành công nghiệp nước ta còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp có thể dẫn dắt trong ngành công nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn mỏng, năng lực cạnh tranh thấp, khó có thể đủ nguồn lực tài chính để bỏ ra từ 5-10 tỉ USD đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.
Do đó, chính sách cấp bù lãi suất, với mức bù dự kiến tối đa là 5%, theo Nghị quyết 115 được Chính phủ ban hành năm 2020, được kì vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành có thêm nguồn lực phát triển.
“Vào Việt Nam, doanh nghiệp FDI đều được sự hỗ trợ rất lớn từ tập đoàn mẹ hoặc các tổ chức tài chính của nước sở tại với lãi suất rất thấp. Trong khi đó, lãi suất của Việt Nam rất cao. Nếu so sánh, doanh nghiệp nội đã thua ngay từ giai đoạn đầu sử dụng vốn để đầu tư dự án. Vì vậy, chính sách này được thực thi sẽ tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp nội địa vươn lên, cạnh tranh về giá”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.