'Hụt hơi' trong chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp Việt đang đánh rơi miếng bánh tỷ USD
(DNTO) - Rõ ràng, những “gã khổng lồ” công nghệ của thế giới đang coi Việt Nam là điểm đến cho chuỗi cung ứng của họ trong tương lai. Song các doanh nghiệp Việt có đủ năng lực để tham gia cuộc chơi hay không vẫn còn là nỗi băn khoăn, nhiều kỳ vọng "gió sẽ đổi chiều" khi có sự trợ lực từ chính sách?
Để có thể trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu là điều các doanh nghiệp Việt mong muốn nhằm đẩy mạnh doanh thu cũng như giá trị thương hiệu. Tuy nhiên, mong muốn là vậy, song, sự liên kết của các doanh nghiệp Việt với các tập đoàn lớn còn khá mờ nhạt, chưa tương xứng với tiềm năng.
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, chỉ có 15% doanh nghiệp trong nước bán hàng hóa và dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI, 8,4% xuất khẩu trực tiếp và 7,4% xuất khẩu gián tiếp thông qua công ty trung gian. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào các công đoạn giản đơn, chỉ gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, tính bền vững không cao, tỷ lệ nội địa hóa thấp (30-40%).
Ví dụ gần đây Samsung đang coi Việt Nam là đại bản doanh trên thế giới để sản xuất lĩnh vực điện thoại thông minh với 6 nhà máy lớn. Nhưng, việc phát triển nhà cung ứng nội địa tại Việt Nam để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của Samsung vẫn là thứ gì đó rất xa vời.
Theo một đại diện của Samsung Việt Nam cho biết, ban đầu hãng tổ chức những hội thảo, triển lãm công nghiệp phụ trợ để tìm kiếm nhà cung cấp nội địa. Đến nay đã có 379 doanh nghiệp được tư vấn, cải tiến giúp năng suất tăng lao động và chất lượng sản phẩm, nhưng số lượng nhà cung ứng Việt cấp 1 hiện thâm nhập được vào chuỗi giá trị của Samsung đang chỉ dừng lại ở con số 51.
Hoặc với Panasonic, “gã khổng lồ” điện tử Nhật Bản hiện đang có tới 7 nhà máy tại Việt Nam với nhu cầu phát triển sản phẩm mới hằng năm rất phong phú. Nhưng đến nay, nhà cung cấp Việt Nam chỉ khoảng 35% về giá trị tại hãng.
Từng có dịp đi thăm nhiều nhà máy trong cùng ngành nghề ở Việt Nam, vị tổng giám đốc người Nhật ông Yoshida Masakazu, cho rằng các doanh nghiệp Việt cần đầu tư "chất lượng theo nghĩa rộng". "Ví dụ nhiều doanh nghiệp Việt đã có những chứng nhận chất lượng, nhưng đi sâu vào thực tế lại chưa đảm bảo, ngay từ khâu thu mua nguyên liệu", ông Yoshida Masakazu thẳng thắn.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp và ngành thấy, nội lực của ngành công nghiệp nước ta còn "chưa đủ lớn". Việt Nam chưa có doanh nghiệp đóng vai trò dẫn dắt mang tính lan tỏa trong ngành công nghiệp.
Theo ông Tô Ngọc Phương - Giám đốc HANPO VINA - doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn toàn cầu tại Việt Nam, việc các tập đoàn lớn đầu tư tại Việt Nam mở ra cơ hội "ngàn năm có một" cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Tuy nhiên, đa số các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam lại là doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu và vốn mỏng. Đó cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không đủ nguồn lực để đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn của các tập đoàn toàn cầu.
"Hiện nay kỹ thuật của nhà cung cấp Việt Nam chưa đáp ứng được cả về nhu cầu, số lượng và chất lượng. Đồng thời, giá sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang cao hơn sản phẩm tương tự của nước ngoài từ 5-10%. Sản phẩm khuôn mẫu, linh kiện ở Việt Nam bị hạn chế năng lực thiết kế, không làm chủ được công nghệ khuôn mẫu, quy mô sản lượng còn thấp nên càng khó cạnh tranh. Trong khi đó, so sánh với Trung Quốc, họ đảm bảo được cả giá thành và chất lượng", ông Phương nhìn nhận.
Cần sự đột phá từ chính sách
Phải thừa nhận, để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có thể tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, nhất là chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI lớn trên thế giới và doanh nghiệp FDI đang sản xuất tại Việt Nam là bài toán lâu dài và rất khó thực hiện trong ngày một, ngày hai.
Điều này phải xuất phát từ cả 2 phía, bản thân doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp FDI. Đầu tiên phải có hạt nhân trung tâm của chuỗi sản xuất mặt hàng cụ thể. Sau đó, hạt nhân chuỗi sản xuất đưa ra yêu cầu, “đặt hàng” doanh nghiệp phụ trợ cho chuỗi sản xuất.
Muốn phát triển, nâng cao vị thế cạnh tranh, để miếng bánh thị phần dành cho các doanh nghiệp Việt Nam không bị mất đi, bản thân các doanh nghiệp Việt phải nâng cao kỹ năng, có chiến lược tầm nhìn đi trước với sự mong đợi của khách hàng. Có như vậy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới có thể chen chân vào chuỗi giá trị sản xuất, phát triển bản thân doanh nghiệp và đóng góp cho xã hội.
"Nếu các doanh nghiệp không chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ bị thua ngay trên chính sân nhà. Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng hết khả năng sáng tạo của mình để tìm kiếm cơ hội mới trong một trạng thái thay đổi, dịch chuyển các chuỗi cung ứng như hiện nay, vươn ra thị trường nước ngoài để có thể thâu tóm các doanh nghiệp có công nghệ tiên tiến”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Để giải bài toán vươn lên tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp, nỗ lực của doanh nghiệp là yếu tố chính, song hỗ trợ và định hướng nhà nước mang tính quyết định.
Hiện nay, vẫn thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh về việc tạo điều kiện hỗ trợ sản phẩm đầu ra được áp dụng rộng rãi trong thực tế, chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ bảo đảm bù đắp rủi ro trong nghiên cứu, ứng dụng các kết quả nghiên cứu.
Đặc biệt rào cản khiến doanh nghiệp trong nước gặp bất lợi là chính sách tín dụng của Việt Nam đang “bóp nghẹt” về lãi suất trong khi doanh nghiệp đã thực sự rất khó khăn.
Chẳng hạn, để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cho sản xuất của những tập đoàn toàn cầu, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ có khi phải cần đến khoản vốn đầu tư máy móc, thiết bị lên tới 5 - 10 tỷ USD. Đây thực sự là “quá sức” với nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Trong khi, các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam đều được sự hỗ trợ rất lớn từ các tập đoàn mẹ hoặc các tổ chức tài chính của nước sở tại, lãi suất rất thấp. Nếu so sánh sự chênh lệch này, các doanh nghiệp Việt Nam đã thua ngay từ bước đầu tiên khi sử dụng vốn đầu tư để đầu tư dự án...
Trước những khó khăn trên, các chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng và ban hành Luật Phát triển công nghiệp. Luật được kỳ vọng sẽ tạo sự đồng bộ và tính liên kết, là cơ sở tốt hơn để phát huy hết tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, huy động tối đa nguồn lực phát triển, tạo sự đột phá để góp phần hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
“Chúng ta cần đặt ra yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần đầu tư hơn nữa vào công tác đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao và có những gói hỗ trợ, ưu đãi về tài chính sát, gần với doanh nghiệp để dễ dàng tiếp cận vốn ưu đãi, chính sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất mới. Do đó, chính sách này được thực thi sẽ tạo cơ hội tốt cho doanh nghiệp chuyển mình", giới chuyên gia nhận định.