Giữ hàng tỷ USD vốn FDI không dễ
(DNTO) - Nhiều động thái từ các ‘ông lớn’ nước ngoài mong muốn xây dựng căn cứ điểm ở Việt Nam cho thấy bức tranh sáng sủa của hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thế nhưng, bài toán xây dựng nguồn nhân lực như thế nào để đáp ứng nhu cầu của phát triển sản xuất vẫn còn rất khó.
Địa hạt sản xuất mới của toàn cầu
Tính đến ngày 20/8, Việt Nam đã có 16,8 tỷ USD vốn đầu tư FDI, gồm tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Mặc dù con số này mới chỉ bằng 87,7% so với cùng kỳ năm trước, do tổng vốn đăng kí và lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm; nhưng tín hiệu đáng mừng là có 676 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,5 tỷ USD (tăng 50,7% so với cùng kỳ).
TS Trần Toàn Thắng, chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia lý giải, dòng vốn đăng kí mới vào Việt Nam giảm mạnh so với cùng kì do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, nên họ cân nhắc kĩ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào.
Tuy vậy, trong 8 tháng đầu năm, việc vốn FDI đăng kí tăng thêm lên tới 50,7% đã chứng tỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiến hành tái đầu tư, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Đây cũng là cách nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn để mở rộng đầu tư nhanh hơn việc đăng kí triển khai dự án đầu tư mới. Do đó, đây cũng là một tín hiệu tốt của thị trường Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều “gã khổng lồ” sản xuất của nước ngoài cũng đang đẩy mạnh xây dựng căn cứ điểm tại Việt Nam.
Như trong tuần qua, “ông lớn” Apple đàm phán để lần đầu tiên sản xuất Apple Watch và MacBook ở Việt Nam. Trong đó, Tập đoàn Foxconn (gia công sản phẩm cho Apple) đã ký kết thuê 50,5ha đất tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, dự định sẽ rót hơn 300 triệu USD, sử dụng hơn 30.000 lao động địa phương.
Tập đoàn Samsung mới đây cũng cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại Nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam ở Thái Nguyên.
Đây là một tin vui cho kinh tế nói chung và nền sản xuất của Việt Nam nói riêng. Bởi chip bán dẫn là phần lõi của các sản phẩm điện tử, có ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Minh chứng cho thấy, cuộc khủng hoảng chip bán dẫn trên thế giới trong thời gian qua khiến nhiều nền sản xuất lao đao. Do đó, nếu Việt Nam trở thành căn cứ địa sản xuất chip điện tử sẽ nâng cao được vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thiếu người giỏi để canh tác
Việt Nam được giới chuyên gia quốc tế đánh giá là mảnh đất thuận lợi để các tập đoàn nước ngoài đến xây dựng căn cứ điểm sản xuất, nhờ vào tình hình chính trị ổn định, vị trí địa lý thuận lợi, lao động trẻ dồi dào…
Thế nhưng, thu hút FDI là một chuyện, giữ và tiếp tục để dòng vốn FDI sinh sôi lại là chuyện khác, liên quan đến tính khả thi khi thực hiện dự án và những thách thức về nguồn nhân lực. TS Trần Toàn Thắng cũng đặt ra lo ngại về việc liệu nhân lực nước ta có đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao của nền sản xuất hiện đại.
“Ở Việt Nam, nhân lực có trình độ đại học, trên đại học thì nhiều, nhưng dạy nghề thì ít. Trong khi đó, với những ngành sản xuất mang tính kỹ thuật cao, cái họ cần là những công nhân lành nghề hay các kỹ thuật viên ở các trường nghề. Nhưng ngay cả các trường nghề tại Việt Nam cũng chưa chú trọng đào tạo theo tín hiệu thị trường, theo nhu cầu của doanh nghiệp, nên chất lượng lao động chưa được đánh giá cao”, TS Thắng chia sẻ.
Một báo cáo vừa được Ngân hàng Thế giới công bố cũng cho thấy, có tới 70% doanh nghiệp khảo sát đang khó khăn trong tuyển dụng lao động có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, trong khi đó 68% doanh nghiệp cho biết khó tuyển dụng lao động có chuyên môn kỹ thuật theo việc làm cụ thể.
Tình trạng doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động có tay nghề cũng dễ hiểu. Bởi đến hết quý 1 năm nay, trong 51,2 triệu người lao động Việt Nam, có tới 73,9 % chưa qua đào tạo, chưa được công nhận trình độ kỹ năng (theo Tổng cục Thống kê). Con số này là khá lớn với một đất nước đang trên đà phát triển, cần nguồn nhân lực lớn, chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Vì vậy, theo các chuyên gia, giải pháp trước mắt cần làm là khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo ngành, theo lĩnh vực (như logistics, điện tử, dệt may…), nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, để giúp các cơ sở đào tạo có kế hoạch chuyển hướng đào tạo sát hơn với nhu cầu thị trường.
Bởi nếu không đủ nguồn nhân lực chất lượng cho sản xuất, không chỉ tập đoàn nước ngoài khó đặt chân đến Việt Nam, mà doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất vất vả khi tuyển dụng và cạnh tranh để thu hút nguồn nhân lực trong nước.