Đứng thứ 5 châu Á về độ mở kinh tế, Việt Nam đang vươn xa trên bản đồ thế giới
(DNTO) - Việt Nam đứng thứ 5 trong 35 quốc gia châu Á về độ mở của nền kinh tế, báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Fitch Solutions cho hay.
Trong báo cáo về Rủi ro thương mại và đầu tư Việt Nam của Fitch Solutions cho quý III/2022, Việt Nam đạt 74,6 trên 100 điểm về độ mở kinh tế, cao hơn mức trung bình của châu Á là 46; mức trung bình toàn cầu là 49,5 điểm.
Việt Nam có điểm số chỉ xếp sau Singapore, Hong Kong, Macao và Malaysia. Trên toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 20 trong số 201 thị trường được Fitch Solutions đánh giá.
Về rủi ro thương mại và đầu tư, Việt Nam được chấm 61,1 điểm, cao hơn mức trung bình châu Á và thế giới. Với tiêu chí này, điểm số càng thấp, rủi ro càng cao. Việt Nam xếp thứ 9 khu vực và 57 toàn cầu về rủi ro thương mại và đầu tư.
Độ mở kinh tế của Fitch Solutions là thước đo từ độ mở thương mại và độ mở đầu tư, dựa trên giá trị xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.
Fitch Solutions đánh giá: "Nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng ở khu vực Đông và Đông Nam Á, Việt Nam được hỗ trợ bởi các nỗ lực tự do hóa kinh tế của Chính phủ và quá trình hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thông qua các hiệp định thương mại, là thành viên của các khối khu vực và quốc tế".
Theo thước đo về độ mở kinh tế của Fitch Solutions, Việt Nam đạt 89,2 điểm về độ mở thương mại, đứng thứ 2 trong Đông - Đông Nam Á và thứ 5 trên toàn cầu.
Năm 2022, trải qua thời kỳ biến động, chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi từ đại dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 215,59 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
Ngoài ra, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/7/2022, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,54 tỷ USD.
Hệ thống chính trị của Việt Nam ổn định, có vị trí chiến lược; lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp là những yếu tố thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam có nhiều tiềm năng để vươn xa hơn trên bản đồ thế giới.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nửa đầu năm 2022 có 487 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,9% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 6,82 tỷ USD (tăng 65,6% so với cùng kỳ). Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài nửa đầu năm 2022 đạt trên 14,03 tỷ USD.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 752 dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt trên 4,94 tỷ USD; 1.707 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,27 tỷ USD, tăng 41,4% so với cùng kỳ.
Đặc biệt, nhiều dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện được tăng vốn với quy mô lớn như tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng, tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 8,84 tỷ USD, chiếm gần 63% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là các ngành thông tin truyền thông; hoạt động chuyên môn khoa học-công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 442,6 triệu USD và 408,5 triệu USD.
Bên cạnh những yếu tố tích cực thu hút nhà đầu tư nước ngoài, vẫn còn một số hạn chế như: chính sách ưu đãi đầu tư còn nhiều bất cập, chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất; chi phí nguyên liệu chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.
Dẫu là quốc gia có độ mở kinh tế lớn, Việt Nam cũng cần lưu ý, năng suất và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế có thể bị cản trở bởi một số yếu tố: Chi phí logistics cao khi năng lực vận chuyển toàn cầu suy giảm bởi những tác động tồn tại của dịch bệnh dẫn đến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu khiến tăng nguy cơ chậm tiến độ dự án. Rủi ro tiềm ẩn từ dịch bệnh vẫn còn; tác động từ cuộc chiến Nga - Ukraine, Fitch Solutions khuyến cáo.
Tại buổi tiếp ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử (Hàn Quốc), chiều 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Hoa Kỳ), năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 78 tỷ USD, chiếm 11,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỷ USD.