VNDirerct: Kỳ vọng dòng vốn FDI sẽ mạnh hơn trong những tháng còn lại của năm 2022
(DNTO) - VNDirect kỳ vọng tổng vốn FDI đăng ký sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2022, khi Việt Nam đẩy nhanh tốc độ mở cửa kinh tế và nhiều đường bay quốc tế được nối lại hoạt động.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vốn thực hiện của các dự án FDI trong tháng 7 đạt 1,5 tỷ USD (+19,8% so với cùng kỳ), nâng vốn thực hiện của các dự án FDI trong 7 tháng 2022 lên 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% (cao hơn mức tăng 3,8% so với cùng kỳ trong 7 tháng 2021). Mặt khác, vốn đăng ký của các dự án FDI tăng 4,1% so với cùng kỳ, lên 1,5 tỷ USD trong tháng 7. Trong 7 tháng đầu năm, vốn đăng ký của các dự án FDI giảm 7,1% so với cùng kỳ, xuống 15,5 tỷ USD.
Cụ thể hơn, 927 (-7,9% so với cùng kỳ) dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 7 tháng năm 2022, với tổng vốn đăng ký đạt 5,7 tỷ USD, giảm 43,5% so với cùng kỳ; 579 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 7,2 tỷ USD (+59,3% so với cùng kỳ); 2.072 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị phần vốn góp là 2,6 tỷ USD (+25,7% so với cùng kỳ).
Tổng vốn đăng ký của các dự án FDI giảm trong 7 tháng 2022 chủ yếu là do cùng kỳ năm trước ghi nhận một dự án quy mô rất lớn là Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Long An I, II trị giá 3,1 tỷ USD và Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II trị giá 1,3 tỷ USD.
Trong khi đó, dự án FDI đăng ký lớn nhất trong 7 tháng 2022 là nhà máy sản xuất đồ chơi của Lego, trị giá 1,3 tỷ USD. Kỳ vọng tổng vốn FDI đăng ký sẽ phục hồi trong các quý tiếp theo khi Việt Nam đẩy nhanh tốc độ mở cửa kinh tế và nhiều đường bay quốc tế được nối lại hoạt động. Ngoài ra, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ các công ty đa quốc gia theo đuổi chiến lược ‘Trung Quốc + 1’ và đa dạng hóa vào Việt Nam do chi phí lao động cạnh tranh, gần Trung Quốc và ổn định chính trị.
Một số hãng công nghệ lớn nhất thế giới có ý định chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới. Ví dụ, Apple đang có kế hoạch sản xuất IPhone và IPad tại Việt Nam. Trong khi đó, hai ông lớn công nghệ Trung Quốc là XIAOMI và OPPO cũng có ý định đặt hoạt động sản xuất tại Việt Nam.
"Chúng tôi dự báo vốn FDI thực hiện trong năm 2022 tăng trưởng 10% so với cùng kỳ, trong khi vốn FDI đăng ký giảm 3-5% so với năm ngoái. Lưu ý rằng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam giảm mạnh trong quý 3/2021 do nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước phải phong tỏa để khống chế dịch Covid-19 lần thứ tư", Khối phân tích VNDirect dự báo.
Đầu tư công bắt đầu tăng tốc
Theo Tổng cục Thống kê, vốn nhà nước thực hiện (đầu tư công) trong tháng 7/2022 tăng 22,5% so với cùng kỳ (+6,3% so với tháng trước) lên 46,2 nghìn tỷ đồng (cải thiện đáng kể so với mức tăng 10,1% so với cùng kỳ trong 6 tháng 2022).
Trong 7 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư công thực hiện tăng 11,9% lên 237,6 nghìn tỷ đồng (cao hơn mức tăng 6,3% so với cùng kỳ) tương đương 43,3% kế hoạch cả năm 2022.
Chính phủ tiếp tục thể hiện rõ quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Trong cuộc họp ngày 3/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị quyết mới về “Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công”.
Trước đó, ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 548/QĐTTg thành lập 6 đoàn kiểm tra, giải quyết các vướng mắc liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Đoàn kiểm tra sẽ làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công dưới mức bình quân chung của cả nước. Sau đó, đoàn kiểm tra sẽ báo cáo lại với Thủ tướng và đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Ngoài ra, việc thực hiện đầu tư công có thể được thúc đẩy khi giá của một số vật liệu xây dựng như sắt thép đã bắt đầu giảm. Cụ thể, sau khi đạt đỉnh vào tháng 4, giá thép trong nước đã giảm 14,1% so với mức đỉnh và thấp hơn 0,1% so với mức đầu năm 2022. Yếu tố này sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của các nhà thầu xây dựng, từ đó đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đầu tư công.
"Chúng tôi giữ nguyên dự báo vốn đầu tư công thực hiện năm 2022 tăng 20-30% so với thực tế thực hiện trong năm 2021, do tăng trưởng trong nửa cuối năm 2022 có thể tăng cao so với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Lưu ý rằng, đầu tư công tăng trưởng âm trong sáu tháng cuối năm 2021 do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, giãn cách xã hội trên diện rộng và giá vật liệu xây dựng tăng", VNDirect nhận định.