Ngành nào sẽ là ‘thỏi nam châm’ hút FDI giai đoạn 2021-2022?
(DNTO) - Theo chuyên gia, giai đoạn 2021-2022, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng nhưng khó có thể bùng nổ vì dư địa mở cửa thị trường không còn nhiều. Trong đó, ngành chế biến chế tạo, bất động sản hay bán buôn bán lẻ sẽ tiếp tục là lĩnh vực "hút" FDI.
Vốn FDI sẽ tăng nhưng khó bùng nổ
Phân tích bối cảnh giai đoạn 2021-2022, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Ngành và Doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhận định sẽ không có nhiều yếu tố dẫn đến bùng nổ vốn FDI nhưng vẫn có những yếu tố tích cực làm tăng vốn FDI vào Việt Nam.
Cũng theo TS. Thắng, việc dòng vốn FDI gia tăng là xu hướng chung của toàn cầu, khi FDI toàn cầu có khả năng phục hồi khoảng năm 2023 do các nước phục hồi kinh tế trở lại. Kể cả giai đoạn FDI toàn cầu đi xuống, vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn có dấu hiệu tích cực.
Tuy nhiên, quay trở lại câu chuyện của về việc bùng nổ FDI năm 2008, TS. Thắng cho biết, khi Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng vốn FDI đăng kí đã đạt hơn 64 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2007. Tuy nhiên thực tế con số đã giải ngân chỉ đạt 11,5 tỷ USD.
“Điều này cho thấy vốn FDI đăng kí có thể bùng nổ nhưng không có nghĩa bùng nổ về vốn thực hiện và nhà đầu tư phải nhìn vào vốn thực hiện còn vốn đăng kí chỉ là kì vọng”, ông Thắng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này so sánh việc đầu tư theo làn sóng FTA cũng giống như đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư sẽ vào trước giai đoạn trước khi các FTA thực thi, tức đa phần là đầu tư theo kì vọng; bởi nếu đầu tư sau khi FTA đã thực thi, rủi ro sẽ cao hơn vì liên quan đến việc cạnh tranh nguồn lực.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam đã kí kết 15 FTA với hầu hết các thị trường lớn trên thế giới như EU, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nên theo TS. Thắng, những lợi ích về mặt mở cửa thị trường Việt Nam đã khai thác gần hết, dư địa thu hút FDI từ việc mở cửa thị trường không còn nhiều, vì vậy giai đoạn 2021-2022, khó có thể kì vọng việc bùng nổ vốn FDI đổ vào Việt Nam.
Ngành nào sẽ “hút” FDI?
Từ phía góc độ nhà đầu tư FDI, TS. Thắng chỉ ra ba động cơ đầu tư. Động cơ đầu tư thứ nhất với mục đích chiếm lĩnh thị trường, đầu tư để bán hàng trong nước. Động cơ đầu tư thứ hai là đầu tư theo hiệu quả, tức đầu tư vào để tận dụng nguồn lao động, chi phí môi trường, hạ tầng hoặc chi phí năng lượng rẻ, điều này thường thấy ở các nhà đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN. Động cơ đầu tư thứ ba là đầu tư theo những tài sản chiến lược, đây là phong cách của các nhà đầu tư Mỹ, EU.
Ông Thắng nhận định, trong 2021, nếu Nhật Bản, Hàn Quốc không thể phục hồi kinh tế, lượng đầu tư theo hiệu quả sang Việt Nam không nhiều. Trong khi Trung Quốc phục hồi nhanh có thể đầu tư sang Việt Nam nhanh hơn nhưng lượng đầu tư không lớn bằng Hàn, Nhật trước đó.
Về tỉ trọng phân bổ FDI (đăng ký) theo ngành, theo số liệu Trung tâm và Dự báo Kinh tế- Xã hội Quốc gia, giai đoạn 2018-2020 ngành chế biến – chế tạo giảm tỉ trọng vốn FDI từ 67,81% (2019) xuống 48,8% (2020); trong khi đó, bất động sản và bán buôn bán lẻ nổi lên là lĩnh vực thu hút vốn FDI với số vốn đăng kí vào bất động sản tăng từ 10.42% (2019) lên 18.72% (2020); bán buôn và bán lẻ tăng từ 6.49% (2019) lên 14,38% (2020).
Tuy nhiên, ông Thắng cho rằng, hiện số vốn FDI vào ngành chế biến chế tạo giảm nhưng xu hướng trong 5 năm tới vẫn tăng, tức nhà đầu tư vẫn nhìn vào việc đầu tư theo hiệu quả, lao động rẻ, hạ tầng rẻ…
Đặc biệt trong năm 2021, với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) vừa đi vào thực thi, cộng hưởng với câu chuyện địa chính trị với Mỹ khi nước này thay đổi chính quyền và thay đổi thuế thu nhập của doanh nghiệp cũng sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực tại Việt Nam.
“Nếu 2 yếu tố trên đều tốt thì câu chuyện đầu tư theo tài sản chiến lược như bất động sản hay ngành đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam như bán lẻ sẽ tăng lên tốt hơn”, ông Thắng cho hay.
Lật ngược lại vấn đề, vị Trưởng ban Dự báo Ngành và Doanh nghiệp cũng lưu ý, Việt Nam cũng phải xem xét lại khả năng hấp thụ FDI, và khả năng này liên quan đến lao động, thị trường. Vì vậy, trong thời gian tới, bên cạnh việc thu hút nguồn vốn FDI, câu chuyện của Việt Nam là phải tận dụng tốt nguồn vốn này để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.