Đón sóng dịch chuyển FDI: Việt Nam cần làm gì?
(DNTO) - Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 3 làn sóng đầu tư vào Việt Nam thời gian qua. Đỉnh thứ nhất là vào năm 1995, năm 2008 là đỉnh thứ 2, và đến giờ đồ thị đang đi lên.
Trong 2 ngày 12-13/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020 và Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN 2020 (ASEAN BIS 2020) với chủ đề “ASEAN kỹ thuật số: Bền vững và bao trùm”.
5 yếu tố cần thiết để đón sóng đầu tư FDI
Tại hội nghị, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, năm 1994 Mỹ xóa bỏ cấm vận, thì đến năm 1995 là quan hệ bình thường, và các nhà đầu tư đã đón cơ hội này.
Đỉnh thứ 2 là năm 2007 khi đón làn sóng WTO. Đến năm 2008 là đón đỉnh. Khi đó đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 72,5 tỷ USD, cao trước từ trước đến nay.
Sau đó là khủng hoảng thế giới, các tập đoàn dừng đầu tư nước ngoài và chỉ 2-3 năm thì biểu đồ lại đi lên, và xu hướng đi lên đến tận bây giờ. Như vậy, làn sóng đầu tư đã kéo dài từ 7-8 năm trước chứ không phải bây giờ mới có.
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, lý do giúp Việt Nam tăng trưởng cao so với các nước là bởi Việt Nam vốn có những ưu thế nhất định và có những chính sách phù hợp trong giai đoạn vừa qua, gồm: Sự ổn định chính trị; tăng trưởng nhanh và bền vững; chi phí và ưu đãi cạnh tranh; nguồn nhân lực dồi dào; thị trường tiềm năng; Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới; luôn cải cách mạnh mẽ và ở vị trí trung tâm kết nối thị trường Trung Quốc với các nước ASEAN và các nước khác.
“Khi xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra, các nhà đầu tư chỉ tái cơ cấu ở Mỹ, còn những quốc gia khác ở châu Âu không bị ảnh hưởng, do đó các nhà đầu tư chỉ đa dạng hóa, tái cơ cấu đầu tư. Nhưng khi đại dịch Covid-19 xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, và đây là xúc tác đẩy nhanh quá trình dịch chuyển FDI hơn”, ông Hoàng phân tích.
Cũng theo ông Hoàng, Việt Nam là một trong những thị trường được các nhà đầu tư quan tâm cùng với nhiều nước khác như Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ… Vậy Việt Nam làm gì để đón dòng vốn này? Nhà đầu tư đến Việt Nam cần chuẩn bị những gì?
Theo ông Hoàng, đầu tiên chúng ta phải có đất khu công nghiệp, vì dòng vốn đầu tư chủ yếu đến là các khu công nghiệp.
Thứ hai là đào tạo nguồn nhân lực. “Chúng ta có chương trình đào tạo nhân lực ở 2 cấp độ quản lý và người lao động có tay nghề cao; đẩy mạnh đào tạo nhanh theo đơn đặt hàng nhanh của các doanh nghiệp”, ông Hoàng nói.
Thứ ba liên quan tới vấn đề năng lượng, hiện Bộ Công thương đang rà soát lại tổng sơ đồ điện VIII. Trong danh sách mục nhiều chục tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này. Và đây cũng là một trong những yếu tố hút vốn đầu tư FDI.
Thứ tư, đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ. Tháng 8 vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị quyết đẩy nhanh công nghiệp phụ trợ. Bản thân các doanh nghiệp đã tự vươn lên để tăng năng lực cạnh tranh nhằm hút vốn đầu tư.
Thứ năm, Việt Nam trong thời gian qua không ngừng sửa đổi các chính sách. Ví dụ như Luật đầu tư sửa đổi với nhiều chính sách, thủ tục rườm rà được cắt giảm và có nhiều ưu đãi hơn rất nhiều. Và đây là yếu tố quan trọng để thu hút FDI.
Ông Hoàng nhấn mạnh, các nhà đầu tư quốc tế đang có hoạt động tái cơ cấu, định vị lại chuỗi cung ứng. Họ đang tìm những điểm đến an toàn. Và sự dịch chuyển dòng vốn của các tập đoàn kinh tế đang mở ra cơ hội cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Đặc biệt, theo ông Hoàng, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang chuẩn bị kế hoạch đầu tư tại Việt Nam… “Vừa qua, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng đã làm việc rất tích cực với các nhà đầu tư. Đến nay có nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam”, ông Hoàng cho biết.
Kiên định mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới dịch bệnh Covid-19
Liên quan đến câu chuyện cơ hội và tiềm năng của Việt Nam đón làn sóng đầu tư FDI trong bối cảnh đại dịch Covid-19, tại hội nghị, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2020, cho biết: Nhiệm kỳ qua, số lượng doanh nghiệp tăng 1,5 lần, có 3 đợt sóng cải cách, chúng ta đã xóa hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm 50-60% quy định hành chính liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thành lập tổ công tác đặc biệt về rà soát, bất cập, chồng chéo về kinh doanh và tổ công tác thu hút đầu tư.
Thời gian tới Chính phủ đã kiên định mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh mới dịch bệnh Covid-19. Theo đó, kinh tế số là 1 trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế phát triển bền vững, bao trùm.
“Hiện có nhiều tín hiệu tốt. Trong thời gian qua, khi 30 nhà đầu tư Nhật Bản xin chuyển dự án về Nhật Bản hoặc sang các nước khác, thì đã có 15 dự án sang Việt Nam. Đặc biệt, tập đoàn Samsung đến năm 2022 sẽ đưa vào hoạt động trung tâm R&D lớn nhất tại Đông Nam Á. Hiện tập đoàn này đang đóng góp 25% giá trị xuất khẩu của Việt Nam”, ông Lộc cho hay.